Tuesday, November 28, 2017

Mối tình đơn phương bệnh hoạn và thù hận của người đàn bà đẹp Khang Mẫn với bang chủ Cái Bang Kiều Phong

Bạch Y Ngũ Bút

Trong võ lâm giang hồ, có không ít những nữ nhân vô cùng xinh đẹp, thông minh, nữ tính, chung tình như Hoàng Dung, Mục Niệm Từ, Triệu Mẫn, Tiểu Long Nữ ... vv. Nhưng tình yêu vốn dĩ là muôn hình muôn vẻ, không có mối tình nào giống mối tình nào, dù đều tuyệt đẹp và đắm say, dù trải qua biết bao trắc trở, gian truân. Lại có không ít mối tình đơn phương: như sự si mê của Âu Dương Khắc dành cho Hoàng Dung (trong Anh hùng xạ điêu), sự thần phục của Đoàn Dự dành cho Vương NGữ Yên (trong Thiên long bát bộ); hoặc có thể là tình cảm đơn phương thầm lặng như của Trương Tam Phong dành cho Quách Tương tỷ muội ... Nhưng kiểu tình yêu đơn phương quái dị, đầy lòng ganh ghét và thù hận như của Mã phu nhân Khang Mẫn đối với chưởng môn Cái Bang Kiều Phong trong tác phẩm kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung quả là điều thật hiếm có, hiếm thấy và không khỏi khiến thiên hạ rùng mình khiếp đảm.

Khang Mẫn rất đẹp nhưng vô cùng độc ác 


Thù hận chỉ vì không được nhìn ngắm, thèm khát    

Trong Thiên long bát bộ, Khang Mẫn, hay còn gọi là Mã Phu Nhân - vợ của Mã Đại Nguyên, phó bang chủ của Cái Bang, xuất hiện lần đầu với tư thế của một goá phụ trẻ đẹp đáng thương, kín đáo đức hạnh. Giữa quần Cái, nàng tỏ rõ thái độ căm ghét, cho rằng bang chủ Cái Bang là Kiều Phong phải chịu trách nhiệm về cái chết mờ ám của chồng mình. Mã phu nhơn có hàm ý rằng Kiều Phong chính là kẻ đã đột nhập vào nhà sát hại chồng mình, để bịt miệng việc có thể bị lộ tung tích là người mang dòng máu Khất Đan (vốn là kẻ thù không đội trời chung chủa người Tống thuộc Trung Hoa, và Cái Bang là môn phái của người Tống).

Chính Khang Mẫn là người trực tiếp và góp phần quan trọng đẩy bang chủ Kiều Phong vào ngã rẽ cuộc đời. Đang từ vị trí "chúa tể", Kiều Phong bị đẩy xuống vực thẳm bi kịch, phải rời bỏ chức vị chưởng môn, rời bỏ Cái Bang ra đi trong tư thế nhục nhã, với biết bao hậm hực, ngờ vực và đau khổ.

Trong khi đó, Khang Mẫn là một phụ nữ trẻ vô cùng xinh đẹp, nàng đi đến đâu tất cả đàn ông đều phải đổ rạp, si mê và thèm muốn. Bản thân nàng còn có địa vị cao sang là phu nhân của phó bang, lại từng có mối tình tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng nóng bỏng, lãng mạn với "tay sát gái" Đoàn Chính Thuần.

Trước mắt tất cả mọi người, giữa bàng quan thiên hạ, nàng ta luôn được tôn trọng và luôn công khai bày tỏ sự căm ghét, khinh bỉ Kiều Phong một cách rõ ràng. Hai người hầu như cũng chưa giáp mặt nhau trước đó lần nào.

Thế nhưng, nhiều chuyện bất ngờ đã đến, không như mọi người nghĩ.

Khi gặp Kiều Phong, Khang Mẫn đã chửi bới Kiều Phong không tiếc lời. Và thật bất ngờ, khi nói với chàng rằng lý do mà nàng ta căm ghét Kiều Phong, hoá ra không phải là do Kiều Phong bị nghi giết chồng mình (thực ra chính Khang Mẫn đã ra tay sát hại chồng), mà chỉ vì Kiều Phong đã không thèm nhìn ngắm, để ý đến sắc đẹp của mình!!!???

Trong tác phẩm, Khang Mẫn đã chửi vào mặt Kiều Phong như sau: (Phu nhân là Khang Mẫn)

Phu nhân lại mắng một hồi, nói:

- Mi là cái thá gì? Chẳng qua là tên đứng đầu bọn Cái bang đã ăn thua gì? Trong hội"bách hoa"ta đứng bên bồn hoa thược dược, bao nhiêu anh hùng hảo hán đến dự hội, ai là người không đứng thộn mặt ra nhìn ta? Ai là người thấy mặt ta mà không khỏi điên đảo thần hồn? Chỉ có mình mi cậy mình là bậc anh hùng hảo hán, không ham nữ sắc không thèm để mắt trông đến ta một lần. Mi là một đứa nguỵ quân tử, một đứa vô liêm sỉ!

- Mi có mắt không tròng hay sao? Bất luận là vị anh hùng hảo hán nào, tiếng tăm lừng lẫy bốn phương cũng chăm chú nhìn ta từ đầu đến gót chân. Cả đến bậc đạo cao đức trọng, dù không dám nhìn thẳng vào mặt ta, vì sợ người ngoài biết, thì cũng đưa mắt liếc trộm. Chỉ có mình mi, một mình mi... Giữa đại hội "bách hoa" lúc đó có hàng ngàn chàng trai mà chỉ mình mi thuỷ chung vẫn không nhìn ta một lần.


Quả thật khi ấy Kiều Phong chỉ ham uống rượu, và bản tánh cũng không hay để ý đến chuyện trai gái, phụ nữ đẹp nên đã vô tình không để ý sự có mặt của người đẹp Khang Mẫn tại Bách Hoa hội của Cái bang.

Như vậy, Khang Mẫn căm ghét Kiều Phong không phải vì chàng đã sát hại chồng nàng như nhiều người vẫn nghĩ. Nhưng đó chưa phải là bất ngờ lớn nhất!

Tưởng cũng cần nói lại là đừng nên nghĩ Khang Mẫn có tâm lý và suy nghĩ như một kẻ bình thường. Chính Khang Mẫn đã sát hại chồng mình và chửi ông là đồ vô dụng chỉ vì ông ta không đồng ý tố giác làm lộ thân thế, dòng máu Khất Đan của Kiều Phong. Chính Khang Mẫn đã sát hại Đoàn Chính Thuần, người tình một thời say đắm của mình - chỉ vì ông ta đã bỏ rơi, không cưới nàng làm vợ, bằng cách bỏ độc dược vào rượu. May nhờ có Kiều Phong kịp thời ra tay mà thoát chết trong gang tấc. Để trả thù Kiều Phong, Khang Mẫn đã dùng mỹ nhân kế, dùng thân xác quan hệ ngoài luồng (trong khi đang có chồng) để mua chuộc một trưởng lão trong Cái Bang là Bạch Thế Kính, để y ra tay sát hại chính chồng mình. Tiếp đó, Khang Mẫn tiếp tục dùng sắc đẹp dụ dỗ một nhân vật khác thuộc hàng cao thủ trong Cái Bang là Toàn Quách Thanh đứng ra tố cáo nguồn gốc Khất Đan của Kiều Phong.



Kiều Phong phải rơi vào vực thẳm bi kịch vì vô ý không nhìn ngắm người đẹp Khang Mẫn này

Nhưng lại ... yêu Kiều Phong

Thế thì có đâu chuyện Khang Mẫn lại đi yêu Kiều Phong. Đó là điều không thế nào có được. Không ai ngờ tới, nghĩ tới cho đến tận bây giờ. Đây là một giả thuyết vô căn cứ?

Không phải thế. Ẩn sau lớp vỏ bọc hận thù và không quen biết nhau ấy, thực chất đã tồn tại một mối tình vừa đơn phương, vừa tuyệt vọng, trở thành căm ghét, thù hận mà Mẫn Khang đã có và dành cho Kiều Phong.

Sự thù ghét và hãm hại mà Khang Mẫn dành cho Kiều Phong thực chất chính là sự trả thù theo kiểu nhỏ nhen, ích kỷ và kỳ quái độc ác của người đàn bà vốn quen với sự kiêu hãnh cao ngạo về sắc đẹp của mình. Thế mà lại có một gã đàn ông giống đực không thèm quan tâm, đoái hoài, không thèm khát nàng ta như một tất yếu. Đối với nàng ta, đó là sự xúc phạm, một "tội lỗi" không thể tha thứ, và đã làm nàng ta bị tổn thương, ăn ngủ không yên.

Nàng ta cũng không thể có cơ hội để giăng bẫy tình, đưa Kiều Phong vào vòng tay dâm đãng của mình, như đã từng áp dụng với nhiều gã đàn ông khác.

Điều tại hạ nói ở trên hoàn toàn không phải tự mình nghĩ ra, mà chính từ miệng Mẫn Khang thốt ra khi hai người (Mẫn Khang và Tiêu Phong) có cơ hội lần đầu tiên và cũng là duy nhất trực tiếp gặp mặt nhau một cách riêng tư. Tất nhiên, Khang Mẫn không thể nói theo kiểu trần trụi là "thiếp yêu chàng". Đó không phải là bản tánh của nàng ta.

Khi ấy, trong căn nhà, dưới xác thân nhan sắc đã bị cô gái độc ác A Tử tàn phá trở thành xấu như ma quỷ, sau khi Khang Mẫn nói cho Kiều Phong biết lý do mà mình căm ghét, dẫn đến việc lừa dối và đẩy Kiều Phong vào chỗ chết, nàng ta đã bất ngờ bày tỏ tình cảm, hay đúng hơn là tình yêu, là niềm ao ước thầm kín và chưa từng thoả mãn của mình với Kiều Phong.

Khang Mẫn đã bất ngờ yêu cầu Kiều Phong làm một điều thật đặc biệt và kỳ lạ: Đó là một lần được ẵm trên vòng tay của Kiều Phong.

Trong tác phẩm, Kim Dung viết nguyên văn như sau:

Mã phu nhân nói: - Ta sắp chết đến nơi rồi, ngươi trả ơn ta bằng cách gì?

Kiều Phong đáp: - Bất luận phu nhân muốn bảo chi mà sức Kiều mỗ làm được quyết không từ chối.

Mã phu nhân tủm tỉm cười, nói: - Ta còn mong gì nữa? Kiều Phong! Ta căm giận ngươi không để mắt nhìn đến ta, nên nỗi giận gây ra bao nhiêu tai hoạ. Giờ ngươi muốn ta cho hay tên họ "thủ lãnh đại ca" cũng chẳng khó gì. Ngươi chỉ cần ẵm ta vào lòng, nhìn ta hàng nửa ngày là được.

Kiều Phong lẩm bẩm: - Nếu mình khăng khăng không nghe theo lời mụ thì đến lúc mụ tắt hơi thở thì kẻ đại cừu giết cha mẹ mình là ai, từ đây còn người nào biết nữa. Muốn thành việc lớn chẳng nên câu nệ tiểu tiết. Ta đành bồng mụ lên, nhìn mụ mấy cái phỏng có hại gì? 
Nghĩ vậy liền đáp: - Thôi được! Tôi nghe lời phu nhân. Nói xong ông khom lưng ẵm mụ vào lòng, cặp mắt loang loáng chăm chú nhìn vào mặt Mã phu nhân. Lúc này Mã phu nhân mặt đầy vết máu lại dính đất cát bụi bậm. Hơn nữa, suốt một ngày đêm chịu đựng biết bao sự đau khổ dày vò, dung nhan tiều tuỵ, trông rất khó coi. Kiều Phong ẵm mụ đã là miễn cưỡng, lại còn phải nhìn bộ mặt dơ dáy này, bất giác nhíu cặp lông mày tỏ vẻ khó chịu.

Mã phu nhân hỏi: - Sao? Ngươi ngán ta lắm ư? - Nếu ngươi không chán ghét thì cúi gần xuống mặt ta.

Kiều Phong nghiêm nét mặt nói: - Ấy chết! Không thể thế được! Phu nhân là vợ Ðại Nguyên hiền đệ. Kiều Phong này là người quân tử biết giữ lễ giáo, đâu dám chớt nhả với người quả phụ của anh em.

Mã phu nhân hỏi: - Ha ha! Ngươi đã biết thủ lễ, sao còn ẵm ta vào lòng? - Ta bảo ngươi cúi gần xuống nhìn vào mặt ta, sao ngươi lại lảng sang chuyện khác?

Giọng nói của mụ vẫn đầy vẻ cám dỗ.


Ôi thật vậy, chính yêu cầu kỳ quái này của Khang Mẫn (và được Kiều Phong đáp ứng) và khi được Kiều Phong ẵm vào lòng, Khang Mẫn đã có những phản ứng thuần tuý như một phụ nữ trong tay người mình yêu. Như tỏ thái độ lả lơi, hỏi "ngươi chán ghét ta lắm ư" ... đã cho thấy: một cách vô thức, tự đáy lòng mình, Kiều Mẫn đã yêu Kiều Phong rồi vậy.

Logic nào cho "tình yêu" quái dị ấy?

"Tình yêu" của Khang Mẫn đối với Kiều Phong không nên hiểu và cũng không thể lý giải theo cách thường tình của những đôi nam nữ yêu nhau. Vì bản chất con người của Khang Mẫn là khác biệt, quái dị, đặc biệt là trong chuyện tình cảm yêu đương tuyệt chẳng giống ai.

Trong Thiên long bát bộ, không liên quan đến Kiều Phong, ta vẫn có thể thấy con người của Khang Mẫn là như sau:

- Nàng ta có thể cùng lúc có đời sống tình cảm, tình dục với nhiều người đàn ông. Trong đó, có những người mà nàng ta không hề yêu đương, thậm chí khinh ghét, những vẫn chấp nhận nhằm phục vụ cho dục vọng của mình.

- Nàng ta có thể đồng thời yêu, nhưng đồng thời lại vô cùng căm ghét và ra tay sát hại người mình yêu (và cả ghét) mà không chút mảy may thương xót. Đó là trường hợp của chồng nàng (Mã Đại Nguyên) và người tình của nàng (Đoàn Chính Thuần).

Do vậy, cần phân tích theo logic như sau:

- Ban đầu khi lần đầu giáp mặt tại Bách Hoa hội, Khang Mẫn đã ra sức quyến rũ Kiều Phong, nhưng chàng đã bỏ lơ, không đáp ứng. Điều này làm nàng ta cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm. Dù vậy, thì bên trong trái tim của người phụ nữ trẻ đẹp, lẳng lơ và khát tình này, dù muốn hay không cũng đã in dấu bóng hình con người "đáng ghét" Kiều Phong. Nàng ta bị dáng vẻ oai phong hùng dũng, địa vị lãnh chúa của Kiều Phong thu phục. Gái đẹp nào chẳng mơ anh hùng, ấy cũng là điều tất yêu, bình thường.

- Sau đó, trở về nhà, Khang Mẫn đã không thể nào quên được được Kiều Phong. Trong tâm tư của nàng giằng xé giữa tình cảm, mơ ước khát khao, nhưng đồng thời lại không thể giải toả, thoả mãn, đã khiến nàng ta phát điên vì tức giận.

- Vì trong lòng đã yêu (từ "thích" chuyển sang yêu, một cách đơn phương, dấu kín không thể nào nói ra), đồng thời đã khiến nàng ta dần hình thành trong lòng một sự căm ghét, hận thù đối với Kiều Phong. Cả hai yếu tố yêu - ghét đối với Kiều Phong cùng song song tồn tại và ngày càng tăng lên theo thời gian.

- Nàng ta không thể nào chấp nhận và chịu đựng được thực tế ấy. Bản tánh của Khang Mẫn là một khi đã thích ai, thì nàng ta quyết chiếm cho bằng được. Thậm chí khi đã có được rồi, mà không giữ được cho mình mãi, thì nàng quyết phá chứ không để cho kẻ khác có được - như chính lời nàng ta từng nói với người tình Đoàn Chính Thuần, giải thích lý do vì sao mình ra tay sát hại ông. Vậy nên Khang Mẫn phải rắp tâm đẩy Kiều Phong vào chỗ phải "chết" thì nàng ta mới thấy hả dạ. Dù lòng vẫn vô cùng "thích" chàng!

- Khang Mẫn là một phụ nữ trẻ đẹp, ngoài sự hận thù căm ghét, thì với bản năng là giống cái, về mặt tình cảm nàng ta vẫn không thể không yêu và si mê Kiều Phong. Một khi đã "thích" rồi thì không thể nào rũ bỏ hình bóng Kiều Phong ra khỏi suy nghĩ, tình cảm của mình được nữa. Cũng chính vì yêu, nên trong giây phút cuối cùng, nàng ta đã đưa ra yêu cầu đánh đổi quan trọng nhất của cuộc đời mình, cũng "tầm thường" như muôn ngàn phụ nữ khác. Đó là một lần được người mình yêu nâng niu trong vòng tay.

Thử hỏi nếu không có tình cảm yêu đương thật sự, làm sao Khang Mẫn lại có yêu cầu kỳ lạ như vậy đối với người là "kẻ thù" của mình?



Khang Mẫn là một phụ nữ dâm đãng và quỷ quyệt, luôn biết sử dụng nhan sắc của mình sai khiến đàn ông

Một kẻ bệnh hoạn 

Tuy nhiên, có thể nói tình yêu của Khang Mẫn dành cho Kiều Phong là hoàn toàn không xứng đáng, mà còn là sự bất thường, thậm chí là sự bệnh hoạn về tâm lý.

Trên chốn võ lâm giang hồ, và ngay cả đời thật, chuyện một người yêu đơn phương một người khác là điều không có gì lạ, có thể kể ra hàng loạt. Và chuyện bị thất bại, rẻ rúng trong tình yêu đơn phương cũng không hề hiếm.

Tuy nhiên, việc chỉ vì không được thoả mãn, không được đáp đền tình cảm, đáp đền sự kiêu hãnh, mà hãm hại người mình yêu bằng những thủ đoạn tàn độc nhất, bất chấp tất cả - như Khang Mẫn đã làm đối với Kiều Phong là chuyện kinh thiên động địa. Khiến chúng ta phải bàng hoàng, ghê sợ.

Hãy cùng nhớ lại trường hợp Thần toán tử Anh Cô trong Anh hùng xạ điêu, nàng vương phi xinh đẹp cũng yêu và thậm chí có thai với lão ngoan đồng Chu Bá Thông. Nhưng khi bị Chu bá Thông rũ bỏ trách nhiệm, thậm chí vứt trả lại chiếc khăn tay mà nàng ta đã thêu đôi chim tặng với bao tình cảm tha thiết mà bỏ đi, thì Anh Cô cũng đâu có oán hận, mà vẫn một lòng canh cánh yêu thương. Vẫn tìm cách gặp, cứu người mình yêu. Chứ đâu có tàn độc như Khang Mẫn đối với Đoàn Chính Thuần.

Chính vì vậy, có thể nói Khang Mẫn là một kẻ bệnh hoạn về mặt tâm sinh lý và trong suy nghĩ. Thế mới biết phụ nữ khi bị khinh khi, ruồng bỏ thì họ sẽ ác như thế nào. 

Tuy nhiên gieo gió thì gặt bão, Khang Mẫn đã bị A Tử (em gái của A Châu, vốn là một cô nàng quỷ quái và độc ác) ra tay huỷ hoại nhan sắc, để trả thù cho chị và cha (Đoàn Chính Thuần). Cuối cùng, Khang Mẫn đã chết trong vòng tay của Tiêu Phong, nhưng không hề hạnh phúc, mà bị sốc khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong gương không hề xinh đẹp như mình kiêu hãnh, mà trông xấu xí và ghê rợn khiến ma chê quỷ hờn.

No comments:

Post a Comment