Thiên Long Bát Bộ, một trong những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp đồ sộ nhất của Kim Dung với cái nhan đề đã mang tính Phật với cái tên “rất Phật” Thiên Long Bát Bộ. Đêm nay, tôi không ngủ được, đã một mình ngồi đọc hết cả cuốn Thiên Long Bát Bộ, chợt thấy câu chuyện ba người Mộ Dung Phục, Vương Ngữ Yên, Đoàn Dự có gì đó như đã gặp ở ngoài đời, nên viết đôi dòng gọi là cảm xúc.
Tục ngữ bảo: “Con gái đôi tai, con trai đôi mắt”, nghĩa là trong tình yêu, phái nữ thường vì đôi tai mà trái tim bị chinh phục, còn phái nam thường do đôi mắt mà thần hồn bị đảo điên. Cho nên có người nói rằng: người đàn bà suốt đời chỉ khao khát nghe được câu “Anh yêu em ” từ người đàn ông mà họ thương yêu, còn người đàn ông thì ngược lại, suốt đời họ cứ trăn trở mãi với câu hỏi “Ta yêu ai?”. Nếu ta đem câu hỏi này để chất vấn Kim Dung, ắt hẵn ông, với nụ cười hóm hỉnh, sẽ đưa ra hình ảnh đáng yêu của vị vương tử đa tình nước Đại Lý: Đoàn Dự! Đoàn Dự là công tử con (trên danh nghĩa) của Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần của nước Đại Lý. Theo dòng lịch sử, Vương quốc Đại Lý là một vương quốc của người Bạch đã từng tồn tại từ năm 937 cho đến năm 1253, nằm trong khu vực của tỉnh Vân Nam, Quý Châu và tây nam tỉnh Tứ Xuyên của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày nay. Được sáng lập bởi Đoàn Tư Bình năm 937, vương quốc này đã được cai trị kế tiếp nhau bởi 22 vị vua cho đến năm 1253, khi quốc gia này bị tiêu diệt bởi cuộc xâm lược của đế chế Mông Cổ dưới thời Mông Kha. Thủ đô của vương quốc này là thành Đại Lý.
Từ nhỏ, Đoàn Dự được học Phật giáo, Ngũ Kinh (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch), chàng quyết không luyện võ bởi theo chàng luyện võ có thể làm hại người khác. Nhưng rồi vì cơ duyên, chàng vô tình học được môn võ tối thượng Lục Mạch Thần Kiếm, có Chu Cáp thần công và luyện bộ cước Lăng Ba Vi Bộ kỳ ảo. Những nhân vật chính diện trong tác phẩm Kim Dung, cũng như trong các tác phẩm võ hiệp khác, thường là đối tượng thương yêu của nhiều trái tim kiều nữ, như Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ…. Nhưng trong tình yêu của Đoàn Dự vẫn có chỗ khác biệt: đó là sự đắm say trong tất cả mối tình với những người con gái kiều diễm trên đời, mà chàng ta yêu ngay từ lần đầu gặp gỡ. Từ Chung Linh, rồi pho thạch tượng cho đến Mộc Uyển Thanh… Chỉ đến khi gặp được Vương Ngữ Yên thì tất cả hình ảnh giai nhân trên thế gian này mới thực sự bị xoá nhoà đi như không còn nữa. Tự tòng nhất kiến khanh khanh hậu. Trần thế giai nhân tổng thị vô. (Kể từ một lần gặp được khanh khanh, thì tất cả giai nhân trên đời này coi như không còn nữa).
Vương Ngữ Yên, là con gái của Vương phu nhân. Nếu ta so sánh sắc đẹp, có lẽ nàng sẽ nằm trong những giai nhân đẹp nhất với cái vẻ đẹp trong sáng, thông minh và kiều diễm. Từ bé, nàng đọc hết các sách, và như thuộc lòng hết các chiêu số võ công thiên hạ, và luôn chỉ điểm cho người “biểu huynh” Mộ Dung Phục. Có lẽ số phận của Vương Ngữ Yên đi đến bước ngoặt khi Đoàn Dự vì chạy trốn Cưu Ma Trí mà lạc đến sơn trang của nhà nàng, và cái anh “đồ gàn” ấy đã như bị mất hết hồn vía trước cái vẻ đẹp “như thần tiên” của nàng. Để rồi nàng cũng bị cuốn vào cái vòng xoáy của giới võ lâm, cùng với Đoàn Dự trải qua bao thăng trầm. Có lẽ, dù lúc nàng yêu người biểu huynh Mộ Dung, trong trái tim nàng, Đoàn Dự đã trở thành một người bạn cùng chung hoạn nạn. Đoàn Dự đã bao phen vào nguy hiểm để cứu Vương Ngữ Yên, để chỉ đổi lấy một nụ cười trên môi nàng. Hình như đó cũng là cơ duyên cho hai người để sau này họ thành một cặp uyên ương.
Ta hãy nhớ, Chàng Đoàn Dự chỉ tôn thờ nhan sắc, chẳng thèm quan hoài chi đến võ công hay quyền lực. Được cầm cương ngựa cho giai nhân là nỗi khát khao suốt đời của chàng ta. Mà hồng nhan thì có khắp trong thiên hạ, cho nên tình yêu của chàng ta cũng bén rễ khắp chốn khắp nơi. Đối với chàng ta thì chỉ có tình yêu là tất cả, như một Xuân Diệu thời trai trẻ “Tôi khờ khạo lắm ngu ngơ quá, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì“. Nhưng trong tình yêu của Xuân Diệu “Yêu là chết trong lòng một ít” vẫn ngầm chứa nỗi khát khao được yêu lại, mà không đạt được nên đâm ra khổ đau và chết một ít trong lòng. Còn Đoàn Dự thì hơn thế, chàng ta tìm đến với người đẹp dường như chỉ để chiêm ngưỡng tình yêu dưới quan điểm mỹ học thuần nhiên. Yêu chỉ để mà yêu, yêu chỉ để thoả mãn nỗi khát khao tôn thờ vẻ đẹp, yêu như một sự bột phát tuôn trào của những cảm xúc tự nhiên là muốn được phụng sự cho khách má hồng. Nhất là trong tình yêu chàng ta dành cho Vương Ngữ Yên. Suốt đời cứ mê mẫn lẽo đẽo theo nàng ta rong ruỗi khắp giang hồ, như một kẻ tuỳ tòng hờ, chỉ ước mong nàng hạ tứ ban cho một nụ cuời, một ánh mắt nhìn là mãn nguyện. Cái thiết tha say đắm đã được đẩy tới chỗ tận cùng “Ta đâu biết cõi vô tình vô tận, nhưng tình ta ta biết tận vô biên- Thơ Hồ Văn Thắng). Chàng công tử đa tình ấy như muốn tìm một chốn an tâm lập mệnh trong chút hương thừa của quốc sắc thiên hương! Vương Sóc, một nhà văn Trung Quốc chuyên bài xích Kim Dung, đã phê phán rằng nhân vật Đoàn Dự chỉ là hình ảnh lặp lại của anh chàng công tử ẻo lả đa tình Giả Bảo Ngọc trong kiệt tác Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần mà thôi. Nói thế không khỏi cho chỗ oan uổng và bất công. Đoàn Dự làm gì uỷ mị đến mức sướt mướt khóc gió than mây như Giả Bảo Ngọc? Nhưng cả hai đều rất giống nhau ở điểm: xem nhan sắc, hay đúng hơn phái nữ, là biểu trưng cho những gì đẹp đẽ nhất trên cõi đời này. Giả Bảo Ngọc cho rằng cốt cách đàn ông được cấu tạo từ đất, còn cốt cách đàn bà thì được cấu tạo từ nước. Nước thì mềm mại, nhu nhuyễn, cho nên giai nhân thì mong manh và đáng yêu vô kể!
Cũng thật chớ trêu thay, Đoàn Dự càng si mê Vương Ngữ Yên, càng hy sinh thân mình vì nàng thì nàng lại càng hoài dạ yêu người biểu huynh Mộ Dung Phục, chàng trai thuộc dòng dõi Đại Yên. Sự xuất hiện của Mộ Dung Phục còn hấp dẫn và lôi cuốn hơn cả sự xuất hiện của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ. Nếu trước khi xuất hiện, Lệnh Hồ Xung chỉ có mặt trong những câu chuyện kể, qua lời các sư đệ đồng môn và cô tiểu ni Nghi Lâm xinh đẹp, thì sự hiện diện thấp thoáng trong những lời đồn đại, trong những giai thoại được truyền tụng khắp võ lâm đã khiến Mộ Dung Phục giống như con thần long chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi. Thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” (dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân) đã gieo hoang mang khắp giang hồ. Thoạt đầu, nhà sư Tuệ Chân vượt đường xa vạn dặm đến nước Đại Lý để báo tin Huyền Bi đại sư, trên đường từ Thiếu Lâm đến Đại Lý, bị đánh chết tại chùa Thân Giới vì chính tuyệt kỹ Đại Vi Đà Chử của mình. Rồi Hoàng My đại sư kể lại câu chuyện bản thân mình hồi trai trẻ bị một cậu bé đánh bại cũng bởi chính tuyệt kỹ Kim cương chỉ của mình. Kế đó, Kim toán bàn Thôi BáchTuyền kể chuyện mình bị một cặp nam nữ trung niên dùng con toán đánh ngay vào những huyệt đạo trong cơ thể, khiến tay cao thủ của phái Phục Ngưu này phải mai danh ẩn tích, đổi tên là Hoắc tiên sinh làm kẻ hầu hạ chuyên lo chuyện tạp dịch trong cung điện Đại Lý, nhằm tránh hoạ sát thân. Lạc thị tam hùng đất Hà Bắc chuyên dùng phi trùy thì chết về phi trùy. Chương Hư đạo nhân thường thi hành thủ đoạn chặt chân tay của địch nhân để hành hạ, thì cuối cùng lại chết vì chính thủ đoạn trên. Những cái chết bí ẩn của các tay cao thủ bởi chính tuyệt kỹ của mình đã phủ trùm lên võ lâm một bầu không khí khủng bố, và dòng họ Mộ Dung được thêu dệt như những nhân vật thần thông quảng đại vì thấu triệt được tất cả những tuyệt học trong thiên hạ.
Mộ Dung là dòng dõi nước Đại Yên xưa, nay đã thất thế, chàng nhận sứ mệnh của cha mình sẽ dùng mọi thủ đoạn để lập lại nước Đại Yên. Cái quyết tâm ấy của cha chàng là nguồn cơn của mọi bi kịch trong Thiên Long Bát Bộ, và chàng cũng không khác người cha của chàng: cũng dẹp tình riêng để lo phục quốc. Dù biết nàng Vương Ngữ Yên thầm yêu mình, và trong tâm thức của chàng, chàng cũng coi nàng là hồng nhan tri kỷ của mình, nhưng với chàng, sự nghiệp lớn là trên hết, chàng sẵn sàng dẹp bỏ mọi chuyện sang một bên vì một cái ảo ảnh phù hoa ấy.
Ngay từ bé, Mộ Dung Phục đã phải mang nặng trách nhiệm khôi phục nước Đại Yên. Một cậu bé phong tư ngọc lập, cốt cách thanh kỳ nhưng không có được tuổi thơ, mà phải gánh cây thập tự quá nặng nề trên vai vì những ảo vọng của cha ông, quả là điều đáng ân hận trong nhân gian. Để rồi đến khi lớn lên, y lại bị hút vào vòng xoáy của cơn lốc phục quốc mà không cách nào thoát ra được. Sứ mệnh chính trị nặng nề đã khiến y phải ngoảnh mặt đi trước tình yêu của Vương Ngữ Yên. Trong trái tim của y, giấc mộng đế vương đã choán sạch chỗ, nên tình yêu không còn chỗ đứng. Trong cuộc xung đột giữa “tư tình” và “đại nghiệp”, chiến thắng nghiêng hẵn về hai chữ “đại nghiệp”. Bạn đọc có thể thầm tiếc và thầm trách vì sao Mộ Dung Phục lại hững hờ vô tâm với người con gái dung nhan tuyệt tục như Vương Ngữ Yên, nhưng dù sao đó cũng là phong cách thường tình của những người muốn dựng nên nghiệp bá ở phương Đông. Người phương Đông thường cho rằng người đàn bà đẹp luôn luôn là chướng ngại cho khách anh hùng trên đường dựng nên nghiệp lớn. “Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”. Tình cảm quyến luyến của người con gái dễ làm chí khí anh hùng sút giảm. Vừa là một vị vua đa tình lại vừa là một thiên tài quân sự thì cổ kim họa chăng chỉ có Napoléon, và trong văn học họa chăng chỉ có Từ Hải! Đó là những người mà “khí” không những không bị “đoản” bởi “tình trường” của nhi nữ, mà còn xem “tình trường” đó là chất men kích thích để dựng nên đại nghiệp. Điều hòa được “hồng nhan” và “đại nghiệp”, dung hợp được “thiên hạ” với “mỹ nhân”, đó mới đích thực là bản sắc tài hoa của kẻ anh hùng.
Kim Dung đã dày công tô vẽ nên hình ảnh một con rồng võ lâm Cô Tô Mộ Dung Phục nhưng lại không “điểm nhãn” để con rồng ấy bay lên cõi trời cao, mà để nó từng bước, như con giun đất, lún sâu vào vũng bùn của ảo vọng hão huyền. Hình ảnh thiểu não của Mộ Dung Phục xuôi Bắc ngược Nam, lao tâm khổ tứ, dùng mọi thủ đoạn để mưu đồ phục quốc ngẫm cũng đáng thương. Người đọc càng hồi hộp chờ đợi nhân vật Mộ Dung Phục xuất hiện bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu trước những hành động của y. Đầu tiên y gia nhập đám các động chủ, đảo chủ trong Vạn tiên đại hội để cùng tấn công lên đỉnh Linh Thứu, và không ngần ngại giết hại bao nữ thuộc hạ của cung Linh Thứu chỉ nhằm mục đích muốn tạo được mối quan hệ với đám quần hùng ô hợp đó nhằm mưu đồ lợi dụng về sau. Khi vị tân chủ nhân của Linh Thứu cung là Hư Trúc xuất hiện, y liệu chừng tình thế không thuận lợi cho mưu đồ của mình nên phải bỏ đi. Đó là bước mở đầu cho sự sa đọa Mộ Dung Phục, về phong độ lẫn lương tri.
Tại chùa Thiếu lâm, khi thấy Tiêu Phong bị quần hùng vây hãm, nhưng chưa ai dám khiêu chiến thì y lại nhảy ra phối hợp với Du Thản Chi và Đinh Xuân Thu để cùng đối phó với Tiêu Phong. Dù biết rõ Du Thản Chi và Đinh Xuân Thu tuy võ công cao cường nhưng nhân cách bị tất vả quần hùng khinh bỉ, và Đinh Xuân Thu đã từng giao chiến với mình, nhưng y vẫn làm điều đó cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là lấy lòng quần hùng. Khi bị Đoàn Dự dùng Lục mạch thần kiếm đánh cho tơi tả, và chỉ thoát chết nhờ lời cầu xin của Vương Ngữ Yên, thì y lại dùng thủ đoạn đánh lén Đoàn Dự! Hình ảnh Mộ Dung Phục thảm hại với đầu tóc xổ tung, bị Tiêu Phong ném lăn long lóc trên mặt đất đã đặt dấu gạch chéo lên hình ảnh của “con rồng Cô Tô” trong lòng người đọc.
Bi kịch của Cô Tô Mộ Dung được đẩy lên đỉnh điểm khi anh hạ quyết tâm cưới bằng được nàng công chúa Tây Hạ để mượn binh lực Tây Hạ khôi phục Đại Yên. Để đạt được điều đó, Mộ Dung nhẫn tâm phụ tình nàng Vương Ngữ Yên đã theo mình bấy lâu, từ chối tình yêu chân thành của nàng để đi tìm một ảo ảnh khác, dẫu biết rằng mình đã từng yêu nàng và nàng đã yêu hắn như thế nào. Trên đường sang Tây Hạ cầu hôn, y lừa bắt Đoàn Dự ném xuống giếng vì muốn loại bỏ bớt một đối thủ. Y lại làm ngơ khi Vương Ngữ Yên lao mình xuống giếng trong cơn tuyệt vọng, vì y đã quyết tâm đặt đại nghiệp lên trên tư tình. Y không hiểu rằng một trái tim không còn biết yêu thương sẽ biến thành ngôi nhà lý tưởng cho quỷ dữ. Rồi ước vọng trở thành phò mã Tây Hạ cũng không thành. Mộ Dung Phục bắt đầu cơn khốn quẫn. Và rồi cái kết cục của Mộ Dung cũng thật đáng thương. Nếu để Mộ Dung Phục chịu đựng bao cảnh ma chiết của “đường đời mưa bay gió cuốn” và chết đi trong giấc mơ phục quốc, thì dù sao cái “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng” đó cũng còn có điểm đáng cảm thông; đằng này Kim Dung lại để y biến thành “hoàng đế” sống hoang tưởng trong cơn mộng đế vương hư ảo với y phục của phường tuồng, quần thần là đám trẻ con chạy theo xin bánh kẹo, còn “triều đình” thì được dựng lên nơi nghĩa địa. Đó là tất cả những gì còn lại của “con rồng võ lâm” do Kim Dung sáng tạo ra nhưng lại không “điểm nhãn”!
Còn Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên? Kết cục thì họ đã tìm thấy một nửa của mình trong chính cái nơi mà họ tuyệt vọng nhất. Vương Ngữ Yên khi tuyệt vọng lao mình xuống giếng, vừa để theo Đoàn Dự, vừa là để quên đi mọi đau khổ về mối tình với Mộ Dung thì cơ duyên thay, họ không những không chết, mà còn gặp nhau nơi bùn sâu tăm tối, để rồi cả hai hiểu rõ trái tim nhau. Một tình yêu chân thành mà Vương Ngữ Yên giành cho Đoàn Dự chính là một kết thúc có hậu đối với cả hai.
Tôi không đánh giá sự đúng sai trong mỗi nhân vật bởi mỗi người ở trên đời có một chí hướng riêng. Qua đây cũng chỉ muốn gửi tâm sự của mình, không biết có ai qua câu chuyện trên hiểu được lòng tôi đang nghĩ gì. Ở đời, thật đáng sợ khi con người ta cứ chạy theo những ảo ảnh phù hoa, có lẽ là vậy!
(Đêm không ngủ được, nghĩ chuyện đau lòng, lại ngồi đọc Kim Dung, chợt thấy chuyện ba người Mộ Dung, Vương Ngữ Yên, Đoàn Dự sao mà khiến ta bàng hoàng)
-------------------------------
Bài liên quan:
No comments:
Post a Comment