Tuesday, March 17, 2015

Những giai thoại về tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung

Phan Nghị

(Vietkiemhiep) - Sài Gòn mới lại cho in lại một số tiểu thuyết của Kim Dung như “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, “Anh Hùng Xạ Điêu”, “Ỷ Thiên Kiếm/Đồ Long Đao”, “Lộc Đỉnh Ký” mà người dịch là Vũ Đức Sao Biển và vài dịch giả khác. Mỗi bộ gồm bốn cuốn, bìa các tông bán với giá gần 400,000 đồng. Sách Kim Dung có còn được người ta ưa chuộng, mê say như cách đây hơn 30 năm không?


Điều này cũng dễ phối kiểm khi nhìn thấy chúng được xếp thành từng chồng cao ngất ngưởng trên quầy của những nhà sách mà sức tiêu thụ chỉ nhỏ giọt!

Nhân đây, xin ghi lại một số giai thoại về tiểu thuyết của Kim Dung ở Sài Gòn vào những năm cuối của thập niên 1960, để coi như là một sự ôn cố tri tân.

Ai đưa Kim Dung vào Sài Gòn?

Gần bốn thập kỷ trước đây, vào lúc cao điểm, ở Sài Gòn đã có tới 36 nhật báo.

Ba mươi sáu tờ báo ấy tranh giành nhau số khách hàng chừng hơn 100,000 (còn nếu kể cả những người coi báo cọp, báo biếu hoặc mướn báo ở các sạp thì nhiều vô kể, cho dù một tờ báo thời đó chỉ bán với giá 2 đồng bốn trang, và 3 đồng tám trang).

Lúc bấy giờ Tiền Phong Từ Khánh Phụng đang dịch truyện kiếm hiệp cho báo Đồng Nai. Ông là người Minh Hương, ở Hà Nội đã từng soạn kịch.

Những truyện kiếm hiệp đầu tiên mà ông dịch đăng trên báo này như Thái A Kiếm chỉ gây được một tiếng vang nho nhỏ. Một bữa, ông Huỳnh Thành Vị, chủ báo Đồng Nai bảo Tiền Phong: “Cần phải có một truyện thật đặc sắc, không có thì báo sụt mất tiên sinh ạ!”

Một tuần sau, Tiền Phong đưa cho ông Vị gần 100 trang đánh máy bản dịch “Ỷ Thiên Kiếm/Đồ Long Đao” của Kim Dung. Đây là một “feuilleton” mới nhất của nhà văn này hiện đang đăng hằng ngày trên một tờ báo ở Hồng Kông.

- Liệu có hơn gì “Thần Đao Hồ” đại đởm hay “Võ Lâm Ngũ Bá” - cũng của ông này mà trước đây mình đã đăng không? Ông Vị hỏi.

- Hay hơn là cái chắc.

Tòa soạn báo Đồng Nai đọc xong công nhận là hấp dẫn, nhưng phải đổi cái tên truyện. Sau khi bàn tới bàn lui, và dù chưa nắm vững được nội dung của cuốn truyện ra sao, mọi người cũng nhất trí đặt cho nó cái tên là “Cô Gái Đồ Long”.

Sau này, khi in thành sách, độc giả có lấy kính hiển vi soi từng chữ cũng đừng hòng tìm thấy cái bóng dáng cô gái giết rồng ấy.

Cô gái Đồ Long xuất hiện trên báo Đồng Nai được chừng một tháng, đã gây xôn xao trong dư luận. Đi tới đâu cũng thấy người ta bàn tán, kể cả các nhà khoa bảng, mặc dù họ vẫn liệt kê nó vào loại “para-littérature”.

Và cũng từ đó, đi vào trong các ngõ ngách Sài Gòn, các xóm cầu khỉ, người ta thường được nghe tụi con nít hát:

Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua
Lắc một cái ra ba con gà mái.

Bộ trưởng Bộ Kiếm Hiệp

Thấy kiếm hiệp ăn khách ghê quá, các báo đều đua nhau đăng truyện của Kim Dung.

Tiền Phong đang đói cả cơm đen lẫn cơm trắng, bỗng dưng như người trúng số độc đắc. Có ít nhất là bảy tờ báo hàng ngày đăng truyện dịch của ông. Thế là Tiền Phong dịch luôn bằng mồm cho anh thư ký đánh máy ra tám hay chín bản, rồi đưa đi các toà báo. Ngoài ra, ông còn dịch những truyện kiếm hiệp của Cổ Long, Gia Cát Thanh Vân. Vì thời ấy, mỗi báo, trong trang ruột, cho ít cũng phải đăng sáu cái “feuilleton”.

Cho nên đám nhà báo đã mệnh danh Tiền Phong là “bộ trưởng Bộ Kiếm Hiệp” còn người bồi tiêm kiêm loong toong của ông được phong cho chức “đổng lý văn phòng”.

Có một dạo các báo phát hành vào buổi sáng. Anh em ký giả phải đi làm từ lúc quá nửa đêm. Cách đây gần mấy chục năm, máy móc đâu có được hiện đại như bây giờ. Máy typo phải xếp từng chữ một. Có những thợ xếp chữ bé tí, phải đứng lên trên bốn cục gạch mới với tới các hộp chữ. Nếu không có tin giật gân thì bài “tủ” của tờ báo nhất định không có gì khác hơn là truyện của Kim Dung. Không có nó, báo sẽ xuống dốc không phanh ngay lập tức.

Nó quan trọng đến nỗi mỗi lần máy bay Hồng Kông chưa đưa Kim Dung sang kịp, các báo vẫn đăng hình “cliché” truyện của Kim Dung với mấy lời cáo lỗi. Thành thử ông “đổng lý văn phòng Bộ Kiếm Hiệp” phải có nhiệm vụ thông báo một cách kịp thời cho các báo, mỗi khi có sự trục trặc về Kim Dung.

- Bữa nay không có chuyến bay Hồng Kông - Sài Gòn!

Hoặc là:

- Bảy giờ 30 sáng nay, máy bay Hồng Kông mới đáp xuống Tân Sơn Nhất.

Cảm đề Cô Gái Đồ Long

Tác giả tập thơ Say, cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, cũng là một trong những người say mê Cô Gái Đồ Long. Một người bạn của ông bảo rằng, bữa nào trên báo vắng bóng cô nàng là ông hút mất ngon. Và cầm tờ báo, ông chỉ đọc có một mục đó thôi, xong rồi vứt đi.

Sau khi Cô Gái Đồ Long in thành sách, nhà thơ đọc lại một lần nữa, rồi cảm khái ghi lên trang đầu mấy câu thơ:

Lôi phong tích lịch thủ
Càn khôn đại nã di
Cắm Dùng cha đẻ Trương Vô Kỵ
Sìn Phoóng con nuôi Đại Ỷ Ty

Hai câu trên là hai thế võ đặc biệt của Minh Giáo. Còn Cắm Dùng và Sìn Phoóng là tên chữ Hán của tác giả Kim Dung và Tiền Phong đọc theo âm Quảng Đông.

Còn Đại Ỷ Ty?

Đó là một nữ nhân vật có những hành tung kỳ bí mà khi đọc tới những đoạn cuối, người ta mới lần ra manh mối. Bà ta là một trong Tứ Đại Vương của Minh Giáo, đứng hàng thứ hai sau Bạch Mi Ưng Vương Hân Thiên Chính, và đứng trên Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn và Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu.

Dạo đó, một số các nhà ngôn ngữ học ở Sài Gòn, khi nghiên cứu về Tía Sam Long Vương Đại Ỷ Ty đã cho rằng, cái tên Đại Ỷ Ty không phải tên Trung Quốc. Nó có nguồn gốc ngoại lai, vốn dĩ tiếng Anh: “Deity” có nghĩa thần thánh. Bởi bà ta chính là một thánh nữ của Minh Giáo Ba Tư được cài vào Minh Giáo Trung Quốc, để sau khi đoạt được bí kíp Càn Khôn đại nã di sẽ trở về nước làm giáo chủ.

Thi đố kiếm hiệp

Thấy đài Sài Gòn tổ chức những cuộc thi đố văn nghệ, một số những người mê Kim Dung cũng đặt ra cái mục thi đố kiếm hiệp.

Có một tay nhà báo hễ thấy nơi nào quần tam tụ ngũ bàn luận về Kim Dung là sà ngay vào để thách đố. Đố rằng: “Viết tiểu thuyết, điều tối kỵ là bỏ sót nhân vật. Trong ‘Tiếu Ngạo Giang Hồ’ có hàng trăm nhân vật, Kim Dung bỏ quên một nhân vật vào loại có hạng. Người đó là ai? Quận Chúa Triệu Minh trong ‘Cô Gái Đồ Long’ tuy là phận nữ nhi nhưng cũng đánh đấm ra trò. Vậy trên mình nàng có bao nhiêu vết sẹo, và mỗi vết sẹo ấy phát sinh từ những chiêu số nào của đối thủ?”

Hỏi khắp Sài Gòn chẳng có một ai biết. Người ta bảo, đọc kiếm hiệp thì đọc ào ào để giải trí, sức voi mà nhớ!

Một bữa đi công tác ra Huế, gặp lại một cô bạn vốn cũng là dân mê Kim Dung. Anh ta lại đưa hai câu hỏi ấy ra hỏi. Tức thì nàng tủm tỉm cười rồi đáp:

- Nhân vật bị bỏ quên ấy là Khúc Phi Yến, cháu nội Khúc Dương trưởng lão. Còn Triệu Minh, trên người cô ả có ba vết sẹọ. Cái thứ nhất: ở mu bàn tay do Trương Vô Kỵ cắn trong lúc vừa tức giận vừa yêu. Cái thứ hai: trong trận đánh với mấy sứ giả của Minh Giáo Ba Tư, để cứu Trương Vô Kỵ, Triệu Minh đã phải sử dụng chiêu số Thiên Địa Đồng Thọ để cùng chết với địch thủ. Thế là viên sứ giả Ba Tư phải lùi lại, Trương Vô Kỵ thoát hiểm, nhưng Triệu Minh thì bị một vết thương ở mạng sườn do chính mình gây ra. Vết thương thứ ba gây ra bởi Chu Chỉ Nhược: trong lúc Vô Kỵ và Chỉ Nhược đang làm lễ cưới thì Triệu Minh nhào vô phá đám. Nàng bèn dùng một miếng võ trong Cửu âm bạch cốt trảo cấu vào cổ tình địch cho bõ ghét.

Chân dung Mã Phu Nhân

Mỗi truyện của Kim Dung đều có những nữ nhân vật đẹp cực kỳ, nhưng tính tình lại rất quái đản.

Như Doanh Doanh, khi thấy quần hùng biết mình yêu Lệnh Hồ Xung, thế là nàng mắc cỡ, và từ mắc cỡ đến chỗ nổi giận: nàng bắt họ phải cắt lưỡi cho khỏi bép xép, và đầy họ ra ngoài hoang đảo.

Như Mã Phu Nhân, vợ phó bang chúa Cái Bang Mã Đại Nguyên, nhan sắc tuyệt vời, quần hùng mỗi khi nhìn thấy nàng đều ngất ngư con tàu đi, mê mẩn tâm thần không còn biết đất trời là cái chi nữa, ấy thế mà chỉ riêng có Kiều Phong là coi nàng như một khúc gỗ, chả bao giờ thèm ngó nghiêng đến nàng. Vì vậy nàng bèn căm thù và tìm đủ mọi cách làm cho Kiều Phong thân bại danh liệt.

Công tử Hà Đông Hoàng Hải Thủy đã phác họa chân dung Mã Phu Nhân như sau:

Dối chồng, em khóc, em cười
Giết người nửa đoạn, nửa đời vô luân
Ngoại tình chẳng một tình nhân
Dâm thì dâm cũng có ngần ấy thôi
Em ơi rừng hạnh trăng soi
Sao em áo trắng hại người thản nhiên
Kiều Phong đại ngốc vô duyên
Thân danh bại liệt nhãn tiền vì em
Thương em tóc mượt da mềm
Âm ty làm quỷ đêm đêm thở dài

Những ngôn từ kiếm hiệp

Kim Dung ngự trị trên diễn đàn báo chí Sài Gòn sáu, bảy năm liền. Bắt đầu nổi nhất từ “Cô Gái Đồ Long” kế đến “Thiên Long Bát Bộ” (mỗi báo đặt cho truyện này một cái “tít” riêng như: Lục Mạch Thần Kiếm, Mộ Dung Cô Tô) rồi “Hiệp Khách Hành”, “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và sau cùng “Lộc Đỉnh Ký”. Trong các truyện ấy, chỉ có “Hiệp Khách Hành” là ngắn nhất, các truyện khác kéo dài cả năm.

Qua kiếm hiệp, dân Sài Gòn đã du nhập được một số những ngôn từ mới, và cho tới nay, chúng vẫn còn tồn tại.

- Thằng cha "tuyệt tích giang hồ", tưởng đi Tây (Ninh), đi Mỹ (Tho) rồi, không dè nay lại tái xuất.

- Nó chơi cái kiểu “lăng ba vi bộ” làm sao biết được để né tránh!

- Bữa nay “cảm khái” quá.!

Từ ngữ “cảm khái” được giới văn nghệ tiếp thu đầu tiên, qua hai hình tượng: Tả sứ Dương Tiêu và Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Vào thời điểm “dương đao lập oai” ở Vương Bàn Sơn, Tạ Tốn đã sử dụng âm thanh “sư tử hống” khiến quần hùng chết sạch, kẻ nào may mắn còn sống sót thì cũng phát điên phát rồ, mất hết trí nhớ. Và Dương Tiêu khi được Vô Kỵ trao trả cho đứa con gái Dương Bất Hối, kết quả của một cuộc tình với Kỷ Hiểu Phù, phái Nga Mi, đã vô cùng “cảm khái”, rú lên một tiếng thanh thoát, nội lực phát ra hùng hậu làm cho rừng cây trút lá tơi bời, tạo thành một thảm xanh trên mặt đất.

Người đọc biết rõ ràng là tác giả “phịa” nhưng họ vẫn “cảm khái” như thường.

Ngoài ra một số nhà văn nhà báo đã lấy tên một nhân vật của Kim Dung làm bút hiệu như Chu Tử chủ báo Sống, còn có tên là Kha Trấn Ác, ông Hoàng Ngọc Phan, cộng tác viên của báo này đã dùng bút hiệu là Hà Túc Đạo, còn nhà thơ Hà Thượng Nhân của báo Tiền Tuyến thì bị các đồng nghiệp đặt tên là Hà Chưởng Môn, mông sừ Quốc Phong, chủ báo Tiếng Vang thì bị chụp mũ là Tinh Tú Lão Quái.

Sau “Lộc Đỉnh Ký”, Kim Dung không còn viết kiếm hiệp nữa. Người ta bảo rằng, có bao nhiêu “thành công lực” ông ta đã vung ra hết rồi. Khi đã xài tới nhân vật Vi Tiểu Bảo, một thứ Xuân tóc đỏ thì coi như ông đã cạn nguồn...



-----------------

TƯ LIỆU

No comments:

Post a Comment