Sunday, August 16, 2015

Thú vị bản tánh mơ mộng, thích cảnh đẹp của Hoàng Dung

Bạch Y Ngũ Bút

Có thể nói không chút băn khoăn, trong giới võ lâm giang hồ, Hoàng Dung có lẽ là nhân vật nữ mà tại hạ say đắm nhứt! Hẳn nhiên là vì nàng vô cùng xinh đẹp, nấu ăn ngon tuyệt đỉnh, trí thông minh siêu phàm, lại đủ ngón tài hoa cầm kỳ thi họa. Có thể nói là Hoàng Dung cái chi cũng hơn người, từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn. Nhược điểm duy nhứt của Hoàng Dung, so với nhiều nam nhân khác, có lẽ là võ công của nàng chưa thể xếp vào nhóm Võ lâm ngũ bá danh trấn giang hồ. Nhưng so với những cao thủ mỹ nhân khác như Tiểu Long Nữ, hay Triệu Mẫn hay Nhậm Doanh Doanh, Chu Chỉ Nhược ... nàng đều ăn đứt. 




Hoàng Dung, một trong những nhân vật nữ nổi bật nhứt trong kiếm hiệp Kim Dung

Tuy võ công cao cường như vậy, nhưng nàng vẫn đầy nét nữ tính dễ thương. Nhưng nét nữ tính của nàng không thuộc dạng õng à õng ẹo kiểu yểu điệu đào tơ tỷ như Vương Ngữ Yên, hay ích kỷ kiểu Mộc Uyển Thanh (trong Thiên Long bát bộ). Nét nữ tính đáng yêu của nàng là sự ngây thơ trong sáng, một tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc. (Dù rằng trong một số tình huống, có người nói nàng không có lòng nhân ái, vị tha. Nhưng điều đó theo tại hạ là không chính xác).

Tại hạ mê Hoàng Dung không chỉ vì những nét kỳ tài như kể trên. Mà chính ở chiều sâu trong tâm hồn nàng. Một tâm hồn trong sáng như hồ nước thu ba, lại rất giàu cảm xúc - hỉ nộ ái ố rất rõ ràng, minh bạch. Hoàng Dung lại có tánh hài hước. Tuy nghịch ngợm phá phách, nhưng nàng không hề tàn độc, không hại ai. Nàng yêu (Quách Tĩnh) hết mình, không chút đắn đo suy tính. Nghĩ về tình yêu thật là đơn giản, nên nàng nghĩ ai cũng như mình. Hoàng Dung rất thích "giúp" người khác đang yêu như mình được "thành đôi". Tỷ như trong lần tìm đến Nhất Đăng đại sư chữa thương, biết câu chuyện tình đau khổ giữa Thần toán tử Anh Cô với lão ngoan đồng Chu Bá Thông, nàng nói:

"- Lão Ngoan đồng rất nghe lời ta, ta nói thế nào y nghe theo thế ấy, không dám cãi lại. Nếu ngươi muốn gặp y thì theo ta xuống núi. Ta sẽ tác hợp mối lương duyên cho các ngươi, cũng như ta đền đáp ơn cứu mạng của ngươi được không?". Câu ấy khiến Anh Cô nghe thấy "đỏ bừng cả mặt, tim đập thình thình", nhưng sau lại tức giận chỉ vì ghen với vẻ xinh đẹp của nàng.

Hay như chuyện nàng "ném" Mục Niệm Từ vào vòng tay Dương Khang (trong lần lén theo Mục Niệm Từ vào phủ quan, vì tưởng Mục Niệm Từ đi ăn trộm) với lời tuyên bố "mau đón lấy người trong mộng của ngươi nè".

Nói về Hoàng Dung, có thể nói là điểm nào cũng rất thú vị, dễ thương. Tỷ như chuyện nàng đặc biệt rất say mê và thích thưởng ngoạn cảnh đẹp, phong thủy hữu tình. Với một tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc, chuyện Hoàng Dung say mê phong cảnh hữu tình là chuyện không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, việc tác giả Kim Dung rất nhiều lần mô tả chuyện này trong tác phẩm Anh hùng xạ điêu - là một tình tiết tuy nhỏ, nhưng là một nét rất đặc biệt và có ý, qua đó gián tiếp diễn tả nét đẹp và chiều sâu trong tâm hồn của Hoàng Dung.



Hoàng Dung - Quách Tĩnh trên đảo Đào Hoa. Phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp

Chuyện Hoàng Dung thích phong cảnh đẹp, tức cảnh sinh tình hứng chí hát hò, hay thậm chí muốn ... uống vài chén, xin được thử liệt kê vài ví dụ sau nhé:

Lần thứ nhất, sau khi quen biết nhau, Hoàng Dung hẹn Quách Tĩnh ra bờ sông để báo cho chàng ngốc biết nàng là con gái không phải là Hoàng hiền đệ (con trai). Nơi nàng chọn là bờ hồ, phong cảnh tuyệt đẹp.

Quách Tĩnh đưa mắt nhìn chỉ thấy một màn trắng mênh mông, đi được gần mười dặm thấy trước mặt có ánh nước chiếu lên, chính là một cái hồ nhỏ. Lúc ấy khí trời cũng không lạnh lắm, nước trong hồ chưa đóng băng, bông tuyết rơi xuống hồ đều tan trong nước, ven hồ đều là mai mọc san sát, hoa mai lại càng cánh băng nhụy tuyết, càng rõ vẻ trong trắng cao khiết.
...
Đột nhiên sau lưng có người cười khẽ một tiếng. Quách Tĩnh quay lại nhìn, tiếng khuấy nước vang lên, một chiếc thuyền trong bụi cây rậm lướt ra.
Chỉ thấy cuối thuyền có một cô gái cầm chèo khoát nước, tóc dài xỏa xuống vai, y phục toàn thân màu trắng, trên tóc buộc một cái vòng vàng, tuyết trắng ánh lên chớp chớp lóe sáng. Quách Tĩnh thấy cô gái kia trang phục toàn thân giống như tiên nữ, bất giác ngẩn người ra nhìn. Chiếc thuyền từ từ tới gần, chỉ thấy nàng còn rất nhỏ tuổi, bất quá chỉ mười lăm mười sáu, da trắng như tuyết, xinh đẹp không ai bằng, dung mạo tuyệt trần, không thể nhìn gần.
Quách Tĩnh thấy hoa cả mắt, không dám nhìn nữa, quay đầu qua chỗ khác, từ từ lui lại mấy bước. Cô gái kia chèo thuyền vào sát bờ, kêu lên:
- Quách ca ca, lên thuyền đi?.
Quách Tĩnh giật nảy mình, quay đầu lại nhìn, chỉ thấy cô gái kia tươi cười rạng rỡ, áo quần phất phơ trước gió. Quách Tĩnh như si như mộng, hai tay đưa lên che mắt. Cô gái kia cười nói:
- Sao thế? Không nhận ra ta à?
Quách Tĩnh nghe giọng nói của nàng thì rõ ràng giống như Hoàng Dung, nhưng một gã tiểu khiếu hóa gầy gò rách rưới tại sao lại đột nhiên trở thành một tiên nữ, đúng là không thể tin vào mắt mình. Quách Tĩnh định thần nhìn lại, thấy nàng quả thật mắt mày mũi miệng đều giống hệt Hoàng Dung, bèn nói: Cô à, cô à.
Chỉ nói được hai chữ cô rồi không nói được gì nữa. Hoàng Dung duyên dáng mỉm cười, nói: - Ta vốn là con gái, ai cần ngươi gọi là Hoàng hiền đệ. Hoàng hiền đệ chứ? Mau lên thuyền đi.
Quách Tĩnh như đang trong mơ, nhún chân một cái nhảy lên thuyền.
Hoàng Dung chèo thuyền ra tới giữa hồ, lấy rượu thịt ra, cười nói:
- Chúng ta ở đây uống rượu thưởng tuyết lại không hay sao?
...
Hoàng Dung cười khẽ nói:
- Bây giờ ta hát một khúc cho ngươi nghe nhé?
Chỉ thấy nàng hơi nghiêng đầu, tựa vào mạn thuyền, giọng hát trong trẻo từ cổ họng vang lên:
Tiếng nhạn kêu sương, thấu qua rèm lạnh buốt. Đang khi băng đóng chưa dày, mây đưa trăng lướt. Gương con soi bóng lược. Muốn thoa son đánh phấn. điểm trang khó lòng học được.
Vóc ngọc háo mòn, lại khoác chăn dày mấy lớp. Tựa gió xuân, duyên dáng mỉm cười, quay ngắm hoa rơi lác đác.
Quạnh quẽ bấy! Quê nhà đâu nhỉ? Lầu gác bên ao, cây vườn dưới tuyết. Dao trì thề xưa, cánh hồng nhờ ai hẹn ước? Bướm con kia chỉ giỏi tìm hoa hỏi liễu, đậu khắp cành nam chửa biết.
Luống thương tâm, lạnh lẽo chiều buông, tù và mấy tiếng.
Quách Tĩnh lắng nghe từng tiếng từng tiếng, tuy về ý nghĩa bài từ thì không hiểu gì nhưng thanh âm êm ái, ngân nga dìu dặt, nghe thấy không kìm được nỗi say mê, thần hồn điên đảo, tình cảnh êm đẹp vui sướng lần này quả thật từ khi lọt lòng đến nay y chưa từng được gặp.
...
Hoàng Dung nhẹ nhàng dựa vào ngực y. Quách Tĩnh chỉ thấy một mùi hương ngọt ngào bao bọc thân thể y, bao bọc hồ nước, bao bọc cả trời đất, cũng không biết là mùi hương hoa mai hay mùi hương trên người Hoàng Dung tỏa ra. Hai người cầm tay nhau không nói gì nữa.
Qua một lúc rất lâu rất lâu. Hoàng Dung thở ra một hơi, nói:
- Chỗ này đẹp lắm, tiếc là chúng ta phải đi thôi.

Hay như lần khi hai người lên núi tìm Nhất Đăng đại sư để xin chữa thương (Hoàng Dung bị dính thiết chưởng của Cừu Thiên Nhậm). Trên đường lên núi, qua ải Ngư Tiều Canh Độc, nàng thấy trên núi cảnh vật đẹp đẽ đã nói với Quách Tĩnh "Nếu thương thế của ta không thể chữa khỏi thì cứ chôn xác ở đây không cần xuống núi nữa". Đủ thấy nàng yêu thiên nhiên đến thế nào.
Hại người đi một hồi, chèo qua hai chỗ ghềnh xiết, nhìn thấy phong cảnh như tranh, khe suối réo rắc, nước chảy rất êm ả, cơ hồ như không chảy. Dòng khe này rộng khoảng một trượng, hai bên cành liễu quét nước, giữa rặng liễu có vô số cây đào, nếu đang giữa mùa xuân hoa đào nở rộ, thì chắc là như một mảnh gấm thêu, rực rỡ đẹp mắt. Lúc ấy tuy không có hoa đào nhưng dọc bờ khe sinh rất nhiều hoa nhỏ màu trắng, mùi hương phảng phất. Quách Hoàng hai người lòng dạ thanh thản, không ngờ trên đỉnh núi cao lại có một bầu trời đất thế này. Nước khe xanh biết như ngọc, nhìn tới tận đáy, Quách Tĩnh nắm chắc cán mái chèo, chọc thẳng mái chèo xuống nước, muốn xem đáy khe sâu bao nhiêu, đột nhiên thấy có một luồng đại lực đẩy tới y chưa kịp đề phòng, chiếc mái chèo suýt nữa rời tuột khỏi tay, nguyên là trên mặt khe nước êm ả như gương, nhưng dưới đáy thì chảy xiết không có tiếng động.
Chiếc thuyền sắt từ từ lướt lên trước, trong rặng liễu dày thỉnh thoảng có tiếng chim hót líu lo. Hoàng Dung thở dài nói:
- Nếu thương thế của ta không thể chữa khỏi thì cứ chôn xác ở đây không cần xuống núi nữa.
Quách Tĩnh đang định an ủi mấy câu, chiếc thuyền sắt đột nhiên chui vào một hang núi. Trong hang mùi thơm càng nồng, nước chảy cũng càng mau, chỉ nghe một tràng rào rào không dứt.
Trước mắt đột nhiên sáng bừng, chiếc thuyền đã ra khỏi hang, hai người không kìm được đồng thanh bật tiếng khen “Đẹp quá!
Nguyên ngoài động là một mạch nước ngầm rất lớn phun ra, tiếng rào rào là từ đó vang lên. Khe nước này tới đó là hết, mạch nước ngầm này rõ ràng là đầu nguồn của dòng khe và ngọn thác phía dưới.
Quách Tĩnh đỡ Hoàng Dung lên bờ, kéo chiếc thuyền lên bờ đá, quay đầu nhìn lại, chỉ thấy cột nước dưới ánh nắng mặt trời biến thành một chiếc cầu vồng đủ màu nhìn hoa cả mắt. Trước cảnh đẹp ấy, hai người cho dù có muôn ngàn lời khen ngợi cũng không biết nói thế nào là hay, chỉ tay nắm tay, sóng vai cùng đứng trên bờ đá, trong lòng cảm thấy nhẹ nhàng lâng lâng, không có tạp niệm gì khác, đứng nhìn hồi lâu chợt nghe phía sau cầu vồng vang ra một tràng tiếng hát. 
Hoàng Dung nghe điệu tiểu khúc ấy cảm khái việc đời hưng suy, rất có ý tứ, trong lòng ngấm ngầm khen ngợi. Nghe hai câu cuối, Hoàng Dung nhớ lại lời cha thường nói tất cả vua chúa công hầu đều là bọn hại dân hại vật, đổi triều thay họ cũng chỉ làm khổ bách tính không kìm được bật tiếng khen ngợi: - Bài hát hay quá!
Người tiều phu quay lại, giắt chiếc búa vào lưng hỏi: - Hay à? Hay chỗ nào?
Hoàng Dung đang định trả lời, chợt nghĩ: - Y thích ca hát, mình cũng nên hát một bài sơn pha dương đáp lại y.
Lúc ấy bèn cười khẽ một tiếng, hạ giọng hát. Nàng đoán người tiều phu này là tướng quân quy ẩn theo Nam đế, ngày xưa ắt từng tay cầm binh phù, hiển hách một thời, nên lời bài hát của nàng ca ngợi việc coi rẻ công danh, vui thú điền viên, thật ra nàng tuy thông minh lanh lợi nhưng rất lại không phải là văn nhân học sĩ có thể trong giây lát làm được một bài hát thật hay. Lúc nàng trên đảo Đào Hoa thường nghe cha hát qua khúc này, lúc ấy chỉ đổi đi mấy chữ trong hai câu cuối để suy tôn công nghiệp thời phú quý năm xưa của người tiều phu. 
Bài tiểu khúc ấy quả nhiên khiến người tiều phu nghe xong vô cùng thích thú...

Hay như lần sau khi đả bại Giản, Bành, Lương - ba trong bốn trưởng lão của Cái Bang, chính thức nắm chức chưởng môn Cái bang (do Hồng Thất Công giao lại), và sau khi "chỉ đạo: "các huynh đệ khó được dịp gặp gỡ, nhất định có rất nhiều chuyện muốn nói. Các ngươi chôn cất hai vị Lê Sinh, Dư Triệu Hưng cho tử tế. Ta thấy Lỗ trưởng lão là người rất tốt, tất cả đại sự phải nghe y phân phó, hai trưởng lão Giản Lương phải tận tâm giúp đỡ. Ta còn phải đi, chúng ta sẽ gặp nhau ở phủ Lâm An", Hoàng Dung nắm tay Quách Tĩnh xuống núi đi luôn.

Lúc hai người Quách Hoàng trở về tới lầu Nhạc Dương, trời đã sáng hẳn, con tiểu hồng mã và đôi bạch điêu đều đã chờ cạnh lầu. Hoàng Dung ngẩng đầu nhìn ra xa, chỉ thấy một vầng mặt trời đỏ vừa nhô lên chỗ sóng nước liền với chân trời trên hồ Động Đình, màu trời sắc nước, vô cùng tráng lệ, cười nói:
- Tĩnh ca ca, Phạm Văn Chính công làm văn nói rất hay: Ngậm núi xa, nuốt sông lớn, Mênh mông cuồn cuộn, bát ngát không bờ, sớm quang tối rợp, khí tượng muôn ngàn. Cảnh sắc như thế há không đáng thưởng thức sao? chúng ta lên uống mấy chén.
Quách Tĩnh khen hay, hai người lên lầu nhìn tới chỗ hôm qua cùng ngồi uống rượu, nhớ lại những nguy hiểm trùng trùng trong đêm, bất giác nhìn nhau cười một tiếng.
Nhạc Dương không có rượu ngon, nhưng sơn thủy hữu tình cũng đủ khoan khoái. Hai người đối ẩm uống vài chén ...
Hi hi. Nói cho ngay thực ra Hoàng Dung là con gái, đâu biết uống rượu là gì. Nhưng nàng vốn sinh ra trong chốn hào hoa phong nhã, nên biết rõ là rượu là chất men làm cho đàn ông thấy thêm nhã hứng. Nên hễ thấy có cảnh đẹp là nàng nảy thích hát hò, thích mời người yêu uống rượu! Thế nên nói nàng thích nhậu là nói vui thôi. Nhưng qua đó, cũng thấy cô gái này thật biết yêu chiều Quách Tĩnh.

Ngay như đoạn gần cuối truyện, sau nhiều tháng xa lánh nhau, thấy Quách Tĩnh sắp điên lên vì nhớ thương mình, Hoàng Dung liền hẹn Quách Tĩnh sẽ gặp nhau lúc nửa đêm, lại trên đỉnh núi Cây Trọc - một núi băng cao ngút trời. Một chỗ hầu như chưa ai dám lên tới bao giờ. Thật là kỳ quái không giống ai! Nhưng đó cũng chính là một nơi tiên cảnh.

Quách Tĩnh thấy ba người từng bước từng bước yên ổn leo xuống tới sườn núi mới quay đầu lại, chỉ thấy cảnh sắc trên đỉnh núi tươi đẹp vô cùng, băng lạnh ngàn năm kết thành một thế giới lưu ly, có chỗ như quỳnh hoa thụy thảo, có chỗ như quái điểu dị thú, có chỗ như núi non chập chùng, có chỗ như cây cối nghiêng ngã. Quách Tĩnh càng nhìn càng ngạc nhiên, khen ngợi không thôi. Đoán chắc không bao lâu Hoàng Dung sẽ theo chiếc thang dê lên, trong chớp mắt không kìm được máu nóng sôi lên, mặt mũi đỏ bừng, đang xuất thần chợt nghe một tiếng cười khúc khích khẽ vang lên.
Tiếng cười này lập tức khiến y như nghe thấy sấm rền sét nổ, lập tức quay người nhìn lại, dưới ánh trăng chỉ thấy một thiếu nữ như cười mà không phải cười đang nhìn y, không phải Hoàng Dung thì là ai? Quách Tĩnh tuy biết rõ có thể gặp nàng, nhưng lần này gặp nhau, rốt lại vẫn vừa mừng vừa sợ, ngờ là đang trong mộng. Hai người nhìn nhau hồi lâu rồi chạy tới gần nhau, không đề phòng băng trên đỉnh núi trơn láng dị thường, hai người mừng sợ lẫn lộn đều không đề phòng, soạt soạt hai tiếng, đồng thời trượt ngã. Quách Tĩnh sợ Hoàng Dung bị thương, người chưa chúi xuống tới đất đã vận kình nhảy lên trước đỡ nàng. Hai người xa nhau hơn một năm, nhớ nhau muốn phát điên, lúc ấy gặp lại, ôm chặt lấy nhau ở đó làm sao gỡ ra được?
Qua hồi lâu, Hoàng Dung nhẹ nhàng gỡ ra, ngồi xuống một tảng băng nhô lên như tấm thạch bàn, nói:
- Nếu không phải thấy ngươi nhớ ta quá thì ta không tới gặp ngươi đâu.
...
Hoàng Dung nhìn quanh một vòng, nói: Tòa cung điện bằng băng này rất đẹp, chúng ta vào trong ngồi nói chuyện.
Quách Tĩnh nhìn theo ánh mắt của nàng, chỉ thấy trong một khối băng dày có một cái hang rỗng, dưới ánh trăng thấp thoáng lóng lánh rất đẹp, đúng là như một cung điện lớn làm bằng băng.
..................

Có thể nói, một người yêu thiên nhiên cây cỏ, có kiến thức uyên thâm rộng rãi như Hoàng Dung, chắc chắn người đó phải có một tâm hồn cao thượng, trong sáng.

Người ta nói "cha mẹ sinh con trời sinh tánh". Để có một tiểu nữ Hoàng Dung với tính cách thanh khiết tinh tế như vậy hẳn không thể nói là do ai áp đặt, dạy dỗ mà thành được. Nhưng cũng không thể không nói đến sự tác động của hoàn cảnh, môi trường sống và sự thừa hưởng nét di truyền từ cha mẹ.

Hoàng Dung là một cô gái có hoàn cảnh rất đáng thương: mẹ mất khi nàng vừa ra đời, sống với người cha tuy vô cùng yêu thương, cưng nhiều nhưng cũng vô cùng cổ quái, Nên khi mới lạc chân vào chốn giang hồ, nàng (chỉ mới là một cô gái nhỏ 14, 15 tuổi) còn nhiễm nhiều suy nghĩ, đánh giá theo kiểu "tà đạo" của cha là Hoàng Dược Sư. Nhưng không thể không thừa nhận lão Đông tà là một người quá tài hoa, thâm thúy. Chính y đã truyền dạy cho cô con gái cưng biết bao điều hay, lẽ đẹp.

Đặc biệt, từ nhỏ Hoàng Dung vốn sinh ra và lớn lên ở một nơi phong cảnh hữu tình tựa chốn thần tiên là Đào Hoa đảo - một hòn đảo tuyệt đẹp, với hàng ngàn cây hoa đào đua nở. Thì hẳn nàng không thể không biết thưởng thức cái tươi đẹp hữu tình của thiên nhiên vậy.


Phong cảnh tuyệt đẹp trên đảo Đào Hoa (ảnh minh họa)

----------------------------------------

Tác giả Bạch Y Ngũ Bút

No comments:

Post a Comment