(ảnh minh họa)
Xuất xứ
Trở thành biểu trưng về vận mệnh của vương triều Mãn Thanh dị tộc, tám bộ "Tứ thập nhị chương kinh" là một bảo vật vô giá trở thành đối tượng săn đuổi, mục tiêu hành động của nhiều cá nhân và tổ chức chính trị trong Lộc Đỉnh ký. "Tứ thập nhị chương kinh" vốn chỉ là một bộ kinh Phật. Các kỳ chủ quân Bát kỳ người Mãn Châu đã làm ra tám bản. Năm xưa khi quân Mãn Thanh từ ngoài Sơn Hải quan tiến vào Trung Nguyên, trên đường đi đánh giết cướp bóc, gây ra những vụ thảm sát dã man như Dương Châu thập nhật, Gia Định tam đồ,...Vì lúc đó người Mãn không nghĩ sẽ chiếm được giang sơn của người Hán, Nhiếp chính Duệ thân vương Đa Nhĩ Cổn đã cùng 8 vị kỳ chủ thương lượng rồi quyết định vận chuyển số tiền tài bảo vật cướp được lên phía đông bắc Trung Quốc rồi chôn ở dưới chân núi Lộc Đỉnh, phòng hờ lúc người Mãn không giữ nổi giang sơn hay bị người Hán đánh đuổi thì con cháu có thể dựa vào số tài vật đó mà tiếp tục sống. Vị trí đến chỗ kho báu được vẽ vào một tấm da dê, tấm da dê sau đó được cắt thành nhiều mảnh rồi chia ra giấu trong bìa của 8 cuốn "Tứ thập nhị chương kinh", mỗi cuốn được một vị Kỳ chủ Bát kỳ bảo quản.
Bí mật này ngoài hoàng đế Thuận Trị, Hiếu Trang Hoàng thái hậu, Đa Nhĩ Cổn thì không ai khác được biết. Tám vị kỳ chủ đương thời tuy biết nhưng không truyền lại bí mật này cho con cháu. Thay vào đó, họ nói với con cháu rằng trong 8 cuốn kinh có giấu một bí mật trọng đại, dẫn đến "long mạch" của vương triều Đại Thanh. Nếu "long mạch" bị tổn hại thì vận nước của người Mãn Châu cũng sẽ hết. Điều này nhằm ngăn chặn các quý tộc đời sau đi tìm kho báu, thay vào đó họ sẽ dùng tính mạng của mình để bảo vệ bí mật. Hoàng đế Khang Hi biết được điều này nhờ được lão hoàng gia Thuận Trị cho biết khi đi tìm cha ở núi Ngũ Đài. Thuận Trị cũng dặn Khang Hi rằng nếu sau này người Hán có nổi dậy mà đánh được người Mãn ra khỏi quan thì người Mãn đi từ đâu hãy về lại đó. Khang Hi tuy vâng dạ nhưng không cho là đúng. Ông nghĩ rằng giang sơn Đại Thanh thành lập mấy mươi năm đang được củng cố, nếu để người Mãn biết rằng sau lưng có một bảo tàng to lớn như vậy thì vì nghĩ có đường lui người Mãn khi chiến đấu sẽ không hết sức, chính vì thế khả năng bị đánh đuổi càng cao. Khang Hi quyết định tiêu hủy 8 cuốn kinh thư cùng tấm bản đồ, tự đoạn tuyệt đường lui để tướng sĩ dốc lòng chiến đấu bảo vệ giang sơn Đại Thanh. Chính vì quyết định này mà sau này tuy đã lấy được hết tấm bản đồ, Vi Tiểu Bảo vẫn không bị phát giác và bí mật dẫn đến kho tàng vĩnh viễn nằm trong lòng y.
Tuy nhiên, theo lời kể của Đào Hồng Anh, năm xưa sư phụ bà đột nhập vào phủ một vị Kỳ chủ Bát kỳ đã nghe lóm được bí mật. Vị kỳ chủ này say rượu đã tiết lộ bí mật trong kinh thư cho một người tiểu thiếp nghe, người thiếp này vốn là người của Thần Long giáo. Vì thế bí mật này đã lọt ra ngoài, dẫn đến việc vô số cá nhân và tổ chức tranh giành cướp đoạt lẫn nhau như Ngô Tam Quế, Thần Long giáo, Thiên Địa hội, công chúa Trường Bình nhà Minh,.. Một số người thực sự biết được bí mật kho tàng, trong khi một số chỉ muốn tìm và cắt long mạch để đánh đuổi người Mãn. Vi Tiểu Bảo đến cuối truyện đã tìm được đủ 8 bộ kinh và lấy được tấm bản đồ hoàn chỉnh, biết được vị trí kho tàng nằm ngay đất phong của mình là dưới chân núi Lộc Đỉnh, Hắc Long Giang, nhưng y vẫn không truy tìm vì sợ làm đứt long mạch sẽ hại chết người bạn thân là Khang Hi.
Tám bộ kinh trong truyện
Dưới đây là nguồn gốc và cách Vi Tiểu Bảo tìm ra 8 bộ "Tứ thập nhị chương kinh".
Chính Hồng kỳ: Bộ kinh bị đánh trộm trong phủ đệ của Kỳ chủ là Khang thân vương. Vi Tiểu Bảo nhờ theo dõi tên trộm mà đoạt được.
Tương Hồng kỳ: Đại nội thị vệ Phó Tổng quản là Thụy Đống vâng mệnh thái hậu giả là Mao Đông Châu đi giết Kỳ chủ Tương Hồng kỳ là Hòa Sát Bác rồi đoạt bộ kinh. Trên đường gặp thái hậu lại nhận được lệnh đi giết Vi Tiểu Bảo nhưng lại bị họ Vi giết. Vi Tiểu Bảo tìm thấy bộ kinh trên người Thụy Đống.
Tương Hoàng kỳ: Kỳ chủ là Ngao Bái. Khi Ngao Bái bị bắt, bộ kinh bị Mao Đông Châu đoạt được nhưng Vi Tiểu Bảo sau đó đã trộm được từ bà ta.
Chính Bạch kỳ: Kỳ chủ là Tô Khắc Tát Cáp. Khi Tô Khắc Tát Cáp bị Ngao Bái giết, Ngao Bái đã đoạt được bộ kinh và để chung với bộ kinh của mình. Sau đó cả 2 bộ kinh đều rơi vào tay Mao Đông Châu và sau đó là Vi Tiểu Bảo khi Ngao Bái bị bắt.
Tương Bạch kỳ: Bộ kinh được hoàng đế Thuận Trị đưa cho sủng phi là Đổng Ngạc phi bảo quản. Tuy nhiên bà bị Mao Đông Châu đánh chết, bộ kinh rơi vào tay họ Mao. Vi Tiểu Bảo sau đó trộm bộ kinh từ Mao Đông Châu.
Chính Hoàng kỳ: Bộ kinh được chính hoàng đế Thuận Trị bảo quản. Khi Khang Hi đến tìm cha ở núi Ngũ Đài, Thuận Trị đã giao lại cho con. Bộ kinh sau đó bị Mao Đông Châu đoạt được và cuối cùng rơi vào tay Vi Tiểu Bảo.
Tương Lam kỳ: Sư phụ của Đào Hồng Anh lẻn vào phủ Kỳ chủ muốn trộm bộ kinh nhưng bị đánh trọng thương bởi Sấu Đầu Đà của Thần Long giáo, kẻ sau đó đã giữ cuốn kinh. Khi Sấu Đầu Đà ôm Mao Đông Châu bỏ trốn khỏi hoàng cung, cuốn kinh đã rớt lại và bị Vi Tiểu Bảo tìm thấy.
Chính Lam kỳ: Bộ kinh bị đánh trộm khỏi tay Kỳ chủ và sau đó bị Ngô Tam Quế chiếm được. Vi Tiểu Bảo bí mật đánh tráo bằng bộ kinh của Tương Lam kỳ (đã lấy tấm bản đồ ra).
(Theo Wikipedia)
----------------
Bài liên quan:
Có thể bạn đã quên hoặc chưa biết ?!
- Quách Tĩnh - Hoàng Dung chết trong hoàn cảnh nào?
- Vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung có mấy người con?
- Bắc Cái và Tây Độc ôm nhau chết trên đỉnh Hoa Sơn
- Bí mật về Ỷ thiên kiếm và Đồ long đao
- Người ám toán Triệu Mẫn chính là Chu Chỉ Nhược?
- Chiếc giường hàn ngọc giúp Dương Quá tu luyện nội công như thế nào?
- Vì sao luyện Ngọc nữ tâm kinh phải thoát y?
- Truyền thuyết về loài hoa Trà
- Tứ thập nhị chương kinh trong Lộc Đỉnh Ký
- 20 câu nói kinh điển trong phim kiếm hiệp
No comments:
Post a Comment