Nói đến bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ, mà không nhắc tới Nam hải ngạc thần Nhạc Lão Tam thì coi như chưa nói. Gì thì gì chứ Nhạc Lão Tam cũng là một vị danh nhân võ lâm. Dân gian Trung Quốc có câu "Đại trượng phu nếu không để lại tiếng thơm trăm đời, cũng phải lưu tiếng xấu vạn năm". Tôi nghi các nước khác cũng có câu ngạn ngữ tương tự, nếu không tại sao có người ám sát tổng thống nước họ chỉ vì muốn lưu danh trong sử sách? Có điều là về phương diện này, Trung Quốc chúng ta có nền văn minh năm ngàn năm, lịch sử quá dài.
Nhạc Lão Tam thuộc nhóm Tứ đại ác nhân!
Nam hải ngạc thần Nhạc Lão Tam là một điển hình. Để được nổi tiếng, hắn không từ bất cứ thủ đoạn nào, bất cứ giá nào. Không làm được người tốt, người hiền, hoặc tự biết làm người tốt chưa đủ để lừng danh, hắn bèn quyết ý làm kẻ ác, do đó hắn được xếp thứ ba, và chút nữa thì đứng thứ hai, trong số "Thiên hạ tứ đại ác nhân". Ba chữ "Nhạc Lão Tam" thực ra không phải là tên riêng. Song không thể gọi hắn là kẻ vô danh, mà chỉ có thể nói hắn là "một danh nhân không có tên". Nói như vậy hơi mâu thuẫn, song rất đúng với tính cách của Nam hải ngạc thần Nhạc Lão Tam.
I
Nói đến Nhạc Lão Tam, tên riêng không biết, lai lịch do đó cũng chẳng rõ. Chỉ có cái ngoại hiệu "Nam hải ngạc thần" đầy hung thần ác sát để xếp Nhạc LãoTam vào vị trí thứ ba trong bốn đại ác nhân trong thiên hạ. Song ngay từ đầu hắn đã không cam chịu xếp thứ ba, chỉ muốn ngoi lên hàng thứ hai, thành Nhạc Lão Nhị. Hắn không chỉ muốn trở thành Nhạc Lão Nhị, mà còn đòi người khác phải gọi hắn là Nhạc Lão Nhị. Gia nhân Tiến Hỷ Nhi của Vạn Kiếp cốc chủ Chung Vạn Cừu cung kính đón tiếp hắn, chào hắn, gọi hắn là "Tam lão gia", không ngờ bị hắn cho một đòn gục ngay xuống đất, chỉ vì "Ta là Nhạc Lão Nhị, sao ngươi lại gọi là Tam lão gia? Ngươi có ý coi thường ta phải không?" (Xem Thiên long bát bộ). Rồi hắn hỏi Tiến Hỷ Nhi, có phải trong bụng nghĩ hắn là một nhân vật đại ác, không thể nào ác hơn hay chăng, Tiến Hỷ Nhi trả lời : "Nhị lão gia là người tốt đến vô cùng, không có tí ác nào". Kết quả là bị hắn bẻ gãy cổ.
Thì ra, đối với Nhạc Lão Tam, ác hay không ác là một vấn đề mang tính nguyên tắc. Hắn rất thích được mọi người coi hắn là nhân vật đại ác không thể nào ác hơn. Xem ra tên hung thần ác sát này quả nhiên danh bất hư truyền. Những việc hắn làm khiến người ta không thể hiểu nổi, không thể tha thứ. Khi chúng ta cùng với Đoàn Dự gặp Nhạc Lão Tam, thấy cái đầu to tướng của hắn, cặp mắt thì nhỏ như hạt đỗ tằm, nửa thân trên vạm vỡ, nửa thân dưới teo tóp, chiếc áo dài tới gối may bằng loại gấm thượng hạng, cái quần thì bằng vải thô bẩn thỉu, "hình tướng ngũ quan, chân tay thân thể, cách ăn mặc, tất cả đều không thỏa đáng đến mức tột cùng" (Xem Thiên long bát bộ), thì chúng ta sẽ phát hiện hình tượng và tính cách của Nhạc LãoTam khác xa sự tưởng tượng của chúng ta. Nói thẳngra, kẻ diện mạo xấu xí, võ công cao cường, hành vi thô bạo này tính nết rất ngay thẳng, đầu óc giản đơn, chưa hẳn là một kẻ xấu thật sự. Có thể nói hắn là một nhân vật châm biếm. Nói Nhạc Lão Tam chưa hẳn là một kẻ xấu thật sự, đương nhiên là có căn cứ. Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy Nhạc Lão Tam cũng có không ít ưu điểm. Thứ nhất, hắn có một thói quen rất hay, ấy là ưa nói lý lẽ. Chỉ cần hắn nói "Lời này kể cũng có lý thế là có thể thương lượng với hắn xong xuôi, êm thấm rất nhiều việc. Một người thích nói lý, hoặc muốn nghe lý lẽ, thì không đến nỗi đại ác; bởi vì kẻ xấu hoặc kẻ ác thường thường không ưa nói lý lẽ, mà sẽ chuyên vi phạm lẽ phải và đạo đức. Nhạc Lão Tam rõ ràng không thuộc hạng như vậy. Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh gợi ra ưu điểm thứ hai của Nhạc Lão Tam, ấy là hắn có khả năng kiên trì một nguyên tắc, không giết nữ nhân đang bị thương, tiến tới không giết người nào hoàn toàn không có khả năng đánh trả, nếu không sẽ là con rùa đen khốn kiếp. Nhạc Lão Tam quyết không làm con rùa đen khốn kiếp, một kẻ như thế cũng không đến nỗi quá đáng sợ, không đến nỗi không thể ở gần.
Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh trong tác phẩm. Nhạc Lão Tam rất muốn Đoàn Dự làm đệ tử của mình, nhưng kết quả thì ... ngược lại!
Không lâu, chúng ta còn phát hiện ưu điểm thứ ba của Nhạc Lão Tam, ấy là kẻ biết giữ chữ tín. Nguyên nhân cũng đơn giản, theo hắn, nói không giữ lời là con rùa đen khốn kiếp, mà Nhạc Lão Tam có thể làm người ác, chứ quyết không muốn làm con rùa đen khốn kiếp. Do đó, có khi việc giữ chữ tín gây khổ sở cho hắn, nhưng hắn vẫn cố giữ. Kể ra, không muốn làm con rùa đen khốn kiếp cung là ưu điểm thứ tư của Nhạc Lão Tam. Một người còn chút liêm sỉ, không thừa nhận, cũng không muốn làm con rùa đen khốn kiếp, thì sẽ không phải là kẻ xấu hoàn toàn. Nhạc Lão Tam còn có ưu điểm thứ năm, là có con mắt tinh đời. Khi mà người trong giang hồ không một ai phát hiện Đoàn Dự có năng khiếu luyện võ, thì Nhạc Lão Tam là người phát hiện khả năng của Đoàn Dự, tuy hắn nói đấy là dựa vào việc thấy xương đầu của Đoàn Dự giống như hắn, lý do này hơi miễn cưỡng, song bất kể thế nào, cũng phải coi việc hắn phát hiện Đoàn Dự là có con mắt tinh đời, là một ưu điểm. Nhạc Lão Tam còn có ưu điểm hiếu học. Ví dụ, khi hắn bị Tiêu Phong ném xuống hồ nước, hắn còn muốn hỏi đấy là môn võ công gì. Diệp Nhị Nương giục hắn mau mau, thì hắn nói : "Ta để cho người ném xuống hồ, người dùng thủ pháp gì ta cũng không biết, chẳng hóa ra nhục quá hay sao? Vậy thì phải hỏi cho rõ cái đã". (Xem Thiên long bát bộ). Khi Nhạc Lão Tam hùng hổ tìm đến Mộc Uyển Thanh để báo thù cho đệ tử duy nhất của hắn là Tôn Tam Bá bị Mộc Uyển Thanh giết, chỉ vì Mộc Uyển Thanh và Đoàn Dự nắm được các ưu điểm của hắn, mà hắn phải từ bỏ ý định báo thù cho đồ đệ, đã thế, còn muốn Đoàn Dự bái hắn làm sư phụ. Từ đó trở đi, mỗi khi trên giang hồ gặp Đoàn Dự, Nhạc Lão Tam đều không dám thất lễ sư đồ. Chuyện Nhạc Lão Tam là câu chuyện truyền kỳ giang hồ khiến người ta dở khóc dở cười.
II
Nhạc Lão Tam là người như thế nào, đương nhiên cần tiếp tục quan sát và phân tích. Thời gian gặp hắn càng nhiều, ta càng thấy hắn không chỉ có ngoại hình chứa nhiều mâu thuẫn, mà nội tâm của hắn cũng vậy. Ví dụ tiêu biểu nhất, là hắn suốt đời cầu danh, nhưng lại vứt bỏ nguyên danh của mình đi nói là nghe chướng tai. Sợ tên mình nghe chướng tai, lại chỉ mong có được cái ác danh "Thiên hạ đệ nhị đại ác nhân"; truy cầu ác danh, song dầu chết cũng không chịu mang tiếng là con rùa đen khốn kiếp, thế thì lôgich ở đâu? Chúng ta cần thấy một số ưu điểm của Nhạc Lão Tam không phải là nhất thành bất biến. Ví dụ hắn bảo là không giết người nào không có khả năng đánh lại. Phải, hắn đã làm đúng như thế đối với Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh. Nhưng tại sao hắn lại giết Tiến Hỷ Nhi, người hầu của Vạn Kiếp cốc chủ? Chẳng lẽ Tiến Hỷ Nhi có khả năng đánh lại? Chẳng qua hắn hành hung cho xứng với cái danh kẻ đại ác thứ ba trong thiên hạ. Nhưng như vậy là đi ngược lại nguyên tắc không đánh người nào không có khả năng đánh trả. Mâu thuẫn trong hành vi nói trên đương nhiên thể hiện mâu thuẫn trong tâm lý, tính cách của Nhạc Lão Tam.
Đầu óc hắn giản đơn, tính cách thô lỗ, thắng thắn, nếu truy đến cùng, ta thấy Nhạc Lão Tam vốn là một người chất phác, hành động tuy hung ác, hoang đường, song tối thiểu trong ý thức hắn vẫn còn một điều là dẫu thế nào cũng không muốn làm một con rùa đen khốn kiếp. Nghĩa là hắn không chỉ muốn làm người, mà còn làm một người xuất chúng. Chính điều này làm cho hắn khác về chất so với ba ác nhân còn lại. Nhạc Lão Tam không giống Vân Trung Hạc gian dâm nữ giới, không giống Diệp Nhị Nương tàn sát trẻ thơ, không giống Đoàn Diên Khánh có dã tâm chính tả. Hắn không giống Đoàn Diên Khánh và Diệp Nhị Nương vì quá bất Nhạc Lão Tam chỉ thích nổi tiếng, thích cái hư danh chốn nhân gian. Vấn đề là hắn không thể để lại tiếng thơm trăm đời, cũng không muốn lưu tiếng xấu vạn năm, thành thử chỉ miễn cưỡng hành ác mà thôi. Thực ra, rốt cuộc muốn gì, thành người thế nào, Nhạc Lão Tam cũng không rõ lắm. Hắn truy cầu hư danh, cốt gây ấn tượng với người khác. Cũng tức là nói, hắn bất tự bất giác sống dưới ảnh hưởng lời nói của người khác, khi thì Nhạc Lão Tam là một hung thần ác sát, lúc khác, ở ngữ cảnh khác, hắn lại thành anh hùng hào kiệt. Ví dụ khi Vân Trung Hạc cướp Chung Linh đi, Đoàn Dự bảo Nhạc Lão Tam đuổi theo, với lý do, thứ nhất "Vân Trung Hạc làm nhục Chung Linh, tức là làm nhục sư nương của người, người chẳng mất mặt hay sao, đâu còn là anh hùng hảo hán"; thứ hai, "ngay đối với ác nhân thứ tư, người còn đánh không lại, thì hãy tụt xuống thành ác nhân thứ năm hoặc ác nhân thứ sáu cho rồi".(Xem Thiên long bát bộ).
Nhạc Lão Tam nghe rất có lý, thế là gầm lên, đuổi theo Vân Trung Hạc, quát đòi "Mau bỏ sư nương xuống". Vân Trung Hạc lại dại dột nói thật : "Nhạc Lão Tam, huynh quá ngốc, bị người ta đánh lừa rồi!" Nhạc Lão Tam làm sao nghe lọt câu ấy? Nhạc Lão Tam ta sao lại có thể bị kẻ khác đánh lừa? Vân Trung Hạc bảo ta quá ngốc, là khinh ta lắm. Thế là Nhạc Lão Tam đuổi theo Vân Trung Hạc cho bằng được. Cả đời Nhạc Lão Tam tranh đấu để nổi tiếng, nhưng không biết thế nào là hư danh, càng không biết vì thế mà đánh mất mình. Nói Nhạc Lão Tam là hình tượng một ác nhân cũng được, song đúng hơn thì đấy là một ngôi sao hài kịch; mỗi khi Nhạc Lão Tam xuất hiện ở đâu, chỗ ấy nhất định rất vui.
III
Miêu tả kẻ ác Nhạc Lão Tam thành khả ái như thế, phải coi là một thành công lớn của Kim Dung tiên sinh. Mà muốn thấy đằng sau sự khả ái ấy ẩn giấu bi kịch cuộc đời, thì độc giả phải có kinh nghiệm sống và con mắt thẩm mỹ nhất định. Nói gì thì nói, Nhạc Lão Tam vẫn là kẻ đầu óc giản đơn thời nhỏ hắn không được dạy dỗ, nên suất đời không biết phân biệt thật giả, trắng đen. Triết lý sống của Nhạc Lão Tam, nếu như hắn có triết lý, ấy là thấy người khác làm sao, hắn sẽ làm như thế. Nhạc Lão Tam hợp bọn với Đoàn Diên Khánh, Diệp Nhị Nương, Vân Trung Hạc thành bốn đại ác nhân trong thiên hạ, bảo là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã cũng đúng, nhưng đúng hơn phải nói là gần mực thì đen. Dẫu sao Nhạc Lão Tam cũng chưa đến nỗi "Ác quán mãn doanh", cũng chưa đến nỗi cùng hung cực ác. Nhạc Lão Tam gặp Đoàn Dự, kẻ muốn làm sư phụ lại hóa thành đệ tử, kẻ làm đệ tử lại hóa thành sư phụ. Tuy chỉ có danh nghĩa sư đồ, thực tế thì không, nhưng mấy phen gặp Đoàn Dự trên giang hồ, Nhạc Lão Tam đều chịu ảnh hưởng thay đổi mà mình không hay biết. Càng lâu, ảnh hưởng đó càng sâu, biểu hiện cũng càng rõ.
Nếu nói ban đầu Nhạc LãoTam cứu Chung Linh khỏi tay Vân Trung Hạc là bí Đoàn Dự nói khích, thì về sau ở Tây Hạ hắn cứu Vương Ngữ Yên rõ ràng là bằng chứng về sự chuyển biến tính cách. Tuy miệng nói kiên trì không đổi tính", nhưng lời Nhạc Lão Tam chửi Vân Trung Hạc đã bộc lộ thiên cơ : "Mẹ nó chứ, Nhạc Lão Nhị đổi tính với ngươi, ra tay cứu người, chứ cứ nhớ ngoại hiệu ác nhân trứ danh mà thiên hạ đặt cho, thì để cho ngươi ngã chết quách đi, đâu còn túm tóc cứu ngươi làm gì". (Xem Thiên long bát bộ). Bằng chứng đổi tính rõ nhất của Nhạc Lão Tam là ở cuối bộ tiểu thuyết. Đoàn Diên Khánh muốn Nhạc Lão Tam hắn giết Đoàn Dự, có nói : "Tên tiểu tử họ Đoàn ấy là phường vô sỉ, hoa ngôn xảo ngữ, lừa cho đệ gọi nó là sư phụ, hôm nay chính là dịp tốt để trừ khử nó đi, giữ thể diện cho đệ trên giang hồ". Nếu là trước kia, Nhạc Lão Tam hẳn đã bảo "Nói thật chí lý"; nhưng bây giờ đã khác, mặc dù Nhạc Lão Tam vẫn kính phục Đoàn Diên Khánh, nhưng lại phản đối: "Nó là sư phụ của đệ, đấy là chuyện có thực, nó không hề lừa đệ, sao đệ lại đả thương nó kia chứ?” Đoàn Diễn Khánh thúc giục, Nhạc Lão Tam vẫn nói :"Không được! Này Đoàn huynh, hôm nay Nhạc Lão Tam không nghe lời huynh đâu, đệ phải cứu sư phụ mới được!" (Xem Thiên long bát bộ).
Lúc này Nhạc Lão Tam đứng giữa Đoàn Diên Khánh và Đoàn Dự, đã có lập trường rõ ràng. Chính vì thế mà Đoàn Diên Khánh đã sát hại Nhạc LãoTam một cách dã man! Nhạc Lão Tam dám cả gan chống lệnh đại ca, phảitrả giá bằng mạng sống của hắn. Nhạc Lão Tam quyết ý cứu Đoàn Dự, đương nhiên không chỉ vì danh nghĩa sư đồ tức cười. Chỉ e Nhạc Lão Tam lúc chết cũng không biết Đoàn Dự có ý nghĩa thế nào đối với hắn, cũng như không biết vì sao Đoàn Diên Khánh cuối cùng lại tàn nhẫn vô tình đối với hắn như vậy. Đó là bi kịch lớn nhất đời của Nhạc Lão Tam. Rất có thể Nhạc Lão Tam cảm thấy Đoàn Dự với cuộc đời vinh quang, đại diện cho một giá trị nhân sinh khác, đáng để hắn vươn tới; nhưng hắn chưa hiểu rõ, thì hắn đã bị đại ca sát hại, hắn chết không thể nhắm mắt, vì chưa hiểu ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Mỗi lần nghĩ đến đây, tôi lại cảm thấy nước mắt rưng rưng
------------------
Bài liên quan:
Thiên long bát bộ
- Tứ giác tình yêu trong Thiên Long Bát Bộ
- Mộ Dung Phục, Vương Ngữ Yên, Đoàn Dự – Mơ và thực!
- Đoàn Dự: kẻ phụng hiến trong tình yêu
- Đoàn Dự: Kẻ may mắn trong tình tay ba
- Tại sao Đoàn Dự lại lấy được Vương Ngọc Yến?
- Hai cuộc tình ngang trái của Đoàn Dự
- Tình đơn phương và lòng chung thủy của Vương Ngữ Yên
- Vương Ngữ Yên - Người con gái vẹn toàn
- Tiêu Phong - Người anh hùng trong mê cung định mệnh
- Tiêu Phong- một đời kiêu hùng, một chân tình oan nghiệt
- Tiêu Phong: Bi kịch người anh hùng
- Kiều Phong: thân bại danh liệt vì không chịu ngắm nhìn người đẹp (!?)
- Tiêu Phong - A Châu: mối tình bất tử
- Đoản khúc cho Kiều Phong
- Tiêu Phong hay Kiều Phong?
- Những giọt nước mắt của A Châu
- "Thiên long bát bộ" và mối tình A Châu
- Đoàn Chính Thuần - tuyệt đại cao thủ về tán gái!
- Hư Trúc & giấc mơ tu thành chánh quả
- Cô Tô Mộ Dung Phục - một câu chuyện bi hùng
- Mộ Dung Phục, cuộc đời như mộng
- Giăng bẫy bắt tình nhân cũ
- Du Thản Chi - tình yêu vĩ đại
- Tản luận và giới thiệu về Thiên Long Bát Bộ
- Hoài cảm Thiên Long Bát Bộ
- Khang Mẫn thèm khát áo hoa
- Tản mạn Đoàn Diên Khánh
No comments:
Post a Comment