Friday, January 16, 2015

Tăng, Ni của Kim Dung cũng thật ngộ

Bá Tánh

(Vietkiemhiep) - Nếu đặt một cái nhìn khắt khe, rất nhiều nhân vật của Kim Dung có bối cảnh tu hành nhưng lại tu không xong, thậm chí còn phải nói hơi báng bổ. Nhưng nếu nhìn thoáng hơn vào cái nhân sinh vô chừng, một thế giới quan phong phú, thì ta bắt gặp suốt những "người tu hành" kì lạ.

Nghi Lâm là một ni cô xinh đẹp và đa tình trong Tiếu ngạo giang hồ (ảnh minh họa)


Tiêu biểu cho lớp tăng trẻ giữa đường gẫy gánh, không thể không kể đến Hư Trúc.

"Một người hiền lành chân chất, suốt đời chỉ biết kinh kệ rau dưa, nhưng lại vướng lụy trong một hoàn cảnh oái ăm, đó là Hư Trúc. Con người chân chất đó không một chút tài hoa, cũng không một chút đa tình lãng mạn, và chắc chắn trái tim đó không hề biết rung cảm trước nhan sắc, cho dẫu đó là thần tiên giáng thế. Người đẹp Vương Ngữ Yên trước mặt chú cũng không khác gì tượng gỗ. Cõi đời thực không có gì có thể cám dỗ nỗi chú, không phải vì định lực của chú cao mà chỉ vì chú cục mịch ù lì như gỗ đá. Từ bé chú chỉ biết gõ mõ tụng kinh, một lòng hướng về Đức Phật, tai như điếc trước thanh, mắt như mù trước sắc, lòng không bị quấy nhiễu bởi vật chất trần gian, thế thì con người giống như hòn đất đó làm sao vướng lụy được? Tâm hồn chú quả giống như pháp danh Hư Trúc, nghĩa là “cây trúc rỗng”. Chú bị Thiên Sơn Đồng Mỗ ép phạm sắc giới với một người đẹp xa lạ trong hầm tối om om. Mơ màng như trong cõi mộng. Cõi đời thực không làm cho chú vướng lụy thì cõi mộng sẽ kéo chú ra khỏi thiền môn!"

Trong tản văn "Nhà sư vướng... mộng", Huỳnh Ngọc Chiến đã viết như thế. Nhưng tôi trần tục lắm. Cho nên tôi thấy rơi vào cảnh của Hư Trúc, nhà sư không vướng... mộng (hay vướng tình nhỉ?) mới là chuyện lạ. Thiên thời, địa lợi, nhân cũng lợi. Một cô gái xinh tươi không mặc quần áo, đang lạnh phát khiếp trong hầm băng. Bị cô ta quấn lấy, Hư Trúc đáng tiếc chỉ là tăng, không phải Phật. Tăng là người, và con người thì cứ tuân theo tự nhiên thôi.

Một ông tăng nữa cũng ngộ, không ai khác hơn, bố đẻ chàng Hư Trúc, trụ trì Thiếu Lâm Tự đỉnh đỉnh đại danh. Rốt cuộc trong hoàn cảnh nào mà ông lụy tình với Diệp Nhị Nương, có oái ăm như cậu con trai không? Kim Dung không kể, chúng ta không biết. Chỉ biết là, Phật dạy không sai đâu. Con người đã có chấp niệm thì giới gì chẳng phá được. Cứ là lão tăng quét chùa, tự do tự tại, thì không vướng víu sự đời. Còn trụ trì đã sao, đức cao vọng trong đã sao, tức là ông ta "mang" trên người nhiều thứ, nào phải tứ đại giai không. Cho nên khi biết ông ta có người tình, có đứa con, là chuyện gì quá ngạc nhiên à. Lẽ bình thường thôi.

Một lão tăng ngộ nhất trong tất cả tăng là lão Bất Giới. Ông ta ngộ từ câu mà tôi sẽ tóm tắt như sau: Bất Giới đi tu để được lấy vợ. Mâu thuẫn, nghích lí, cũng chỉ có trí tưởng tượng kì quái của Kim Dung mới nghĩ ra. Bất Giới yêu phải một ni cô Bà ấy không chịu hoàn tục. Thế thì ông ta theo người yêu đến cùng trời cuối đất, dẫu đó là chốn thiền môn. Cái suy nghĩ của ông ta vừa buồn cười vừa làm tôi rùng mình (nếu đầu óc đen tối chút chút): Ni cô thì lấy hòa thượng. Và họ sinh ra một tiểu ni cô lụy tình, sư muội Nghi Lâm. Tôi phải nói gì với "một nhà tu hành" này đây?

Nghi Lâm, thiếu nữ xinh đẹp, lẽ ra cô có đầy đủ quyền yêu đương. Cô có gì khác Nhạc Linh San hay Nhậm Doanh Doanh, lẽ gì cô không được thương tên lãng lử Lệnh Hồ Xung. Bởi vì khi tiểu Nghi Lâm còn chưa biết đủ cuộc đời thì cuộc đời đã chọn cho cô con đường tu hành. Cũng bởi như thế, chung quanh Nghi Lâm là một bức tường cao khiết thánh thiện từ ngoại hình đến nội tâm và tình cảm. Nghi Lâm không đẹp như tượng ngọc Quan Âm ngời ngời. Cô chỉ đẹp vì đứng giữa nhiều ranh giới, xuất thân kì lạ, bối cảnh trưởng thành thanh khiết, lại bị một tên ác tặc thô bỉ như Điền Bá Quang theo ráo riết, rốt cuộc phải lòng một gã yêu rượu hơn mạng. Có nhiều độc giả muốn Nghi Lâm cứ hoàn tục và thành thật với tình cảm của mình (nhiều tác phẩm giả Kim Dung ra đời). Nhưng riêng tôi, Nghi Lâm cứ đứng trong sự chênh vênh thế mới là Nghi Lâm độc đáo mà Kim Dung tạo ra.

---------------------

Diễn đàn: